Rẫy, ruộng “lên đời”
Trung tuần tháng 5, đi về các huyện của tỉnh Đắk Lắk mới thấy tình trạng đất đồi, đất rẫy bị “xẻ thịt”, phân lô vô tội vạ. Từ TP Buôn Ma Thuột, chúng tôi xuôi quốc lộ 14 đến thị xã Buôn Hồ. Từ đây, xe đi ngoằn ngoèo qua những cánh đồng, rẫy cà phê, hồ tiêu, điểm đến cuối cùng thuộc một buôn đồng bào dân tộc thiểu số, thuộc xã Ea Siên (thị xã Buôn Hồ). Tính ra, để đến được nơi này, phải đi quãng đường mất gần 60km.
“Cò” Đức, một môi giới ở khu vực này, dẫn chúng tôi đến một rẫy cà phê rộng gần 1ha, trong đó có trồng xen canh một vài cây ăn trái, chỉ tay nói: “Anh mua miếng đất này có giá chỉ hơn 1 tỷ đồng, có sẵn cây trái, lại sát hồ nước, phong thủy hữu tình. Sau này nếu phân lô được, tha hồ trúng mánh”. Để thuyết phục thêm khách hàng, anh Đức thông tin, đang chuẩn bị quy hoạch mở đường lớn, lô đất sẽ thành mặt tiền. Sau nửa ngày tìm hiểu tại đây, chúng tôi biết chẳng có quy hoạch mở đường nào hết. Sát lô đất rẫy là đám ruộng, không có đường đi, còn phía hồ chẳng qua là cái hồ nước dân đào để tưới cà phê đã khô khốc, trơ đáy.
Tại tỉnh Đắk Nông, từ cuối năm 2021 đến nay, sau thông tin về các dự án do những doanh nghiệp, tập đoàn lớn khảo sát trên địa bàn TP Gia Nghĩa và các huyện lân cận, giá đất không ngừng tăng vọt. Đáng nói, dự án cao tốc Bình Phước - Đắk Nông với chiều dài 140km đã được thông qua, rồi thông tin Tập đoàn Vingroup và Ngân hàng Techcombank đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Phước, tỉnh Đắk Nông và Bộ GTVT đề xuất thực hiện dự án theo hình thức PPP với tổng nguồn vốn 26.000 tỷ đồng, càng khiến thị trường đất nền ở Đắk Nông bùng nổ. Tình trạng phân lô, cắt bớt đất nông nghiệp để bán trở nên phổ biến.
Ghi nhận tại huyện Củ Chi, việc mua bán nhà, đất đang diễn ra rầm rộ, dọc các tuyến tỉnh lộ, cứ có cột điện là có giấy dán rao bán đất. Trên nhiều tuyến đường lớn, nhỏ, đại lý môi giới nhà, đất mọc lên san sát. Đất ruộng lúa ở đây được hét giá gần chục triệu đồng/m2, có khu đất nông nghiệp phân lô được hô giá hàng chục tỷ đồng. Từ đầu năm 2022 đến nay, trước thông tin và lời hứa đầu tư của các doanh nghiệp tại huyện Củ Chi, giá đất ở địa phương này đã tăng dựng đứng.
“Đứng hình”
Anh Trần Đức Nga, ngụ phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), có mảnh đất 500m2 (ngang 10m, dài 50m), trong đó có 90m2 đất thổ cư, tọa lạc tại xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk), rao giá 1,2 tỷ đồng. Khách hàng từ TPHCM đến xem, ngã giá mua miếng đất 1,1 tỷ đồng, nhưng anh Nga không bán. Vậy là 4 tháng qua, mảnh đất bị “chôn” tại chỗ vì giá quá cao so với mặt bằng thị trường đất nông thôn tại Đắk Lắk.
Tương tự, vào năm 2020, bà Trương Thị Hợp, ngụ phường Nghĩa Thành, TP Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) “ôm” mảnh đất rộng 4ha ở phường Nghĩa Trung (TP Gia Nghĩa), với sự hợp lực của một số “chiến hữu” thân tín. Khi mua ở thời điểm đất Gia Nghĩa chưa “sốt”, giá 9 tỷ đồng, nay nhóm bà Hợp rao bán 40 tỷ đồng. Số tiền quá “hớp” nên bà Hợp rao hoài mà không có ai mua. Gần đây, bà Hợp đánh tiếng liên kết với doanh nghiệp bất động sản có trụ sở tại TPHCM để hợp tác thực hiện việc phân lô bán đất nền, nhưng cũng chưa đi đến đâu.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, nhận định, việc “sốt” đất như trên là do đang trong giai đoạn đầu của một kỳ quy hoạch mới, nhiều ý tưởng về quy hoạch đô thị, quy hoạch hạ tầng đã được đề xuất. Mặt khác, một số địa phương cũng vừa công bố quy hoạch nhiều địa bàn dân cư, đô thị mới, cộng với nhiều tuyến cao tốc huyết mạch được đầu tư. Một nguyên do quan trọng không kém là trong khi lợi nhuận từ tiền gửi tiết kiệm ngân hàng chỉ ở mức thấp, gần ngang với tỷ lệ lạm phát cơ bản, nên nhiều người nghĩ tới giải pháp đầu tư vào bất động sản để tăng thu nhập. Thêm nữa, giới đầu cơ, cò mồi đất vì trục lợi bất chính đã gây nhiễu loạn thông tin, tung tin đồn thất thiệt về quy hoạch, tạo nên những cơn “sốt” đất ảo để lôi kéo mọi người tung tiền vào đầu tư.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam, phân tích, việc mua bán đất diễn ra trên diện rộng bởi đây là phân khúc từ trước đến nay đều có nhu cầu đầu tư cao, khả năng thanh khoản cũng dễ dàng hơn các kênh đầu tư khác và giá trị của đất nền cũng tăng cao hơn các phân khúc khác. Tuy nhiên, do không tỉnh táo, nhiều nhà đầu tư đã bị “lôi kéo” bởi những thông tin không chính xác, hoặc không đánh giá chính xác tiềm năng của miếng đất mình đầu tư, để rồi bị “mua đỉnh”; và khi thị trường đóng băng, không thanh khoản được.
Ở góc nhìn khác, chuyên gia bất động sản Phan Công Chánh chia sẻ, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản là 2 cái bình thông nhau. Cứ sau mỗi đợt thị trường chứng khoán tăng ấn tượng thì thị trường bất động sản hưởng lợi. Điển hình qua đầu năm 2022, nhiều nhà đầu tư chứng khoán chuyển lợi nhuận sang kênh đầu tư bất động sản.
Ông Hoàng Xuân Phương, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Buôn Ma Thuột (Sở TN-MT tỉnh Đắk Lắk), khuyến cáo, nhiều người môi giới lấy dự thảo quy hoạch đất giai đoạn 2021-2030 để đưa tin đồn thất thiệt, nên nhà đầu tư, người dân cần lưu ý cẩn trọng. Bởi lẽ, đây chỉ mới là dự thảo quy hoạch sử dụng đất và chưa có cấp thẩm quyền phê duyệt. Đơn cử như những khu vực đất nông, lâm trường vừa bàn giao, dự kiến phát triển đô thị, sẽ chuyển đổi làm đất ở, nhưng thực tế vẫn chưa được phê duyệt. Ở góc độ nào đó, UBND TP Buôn Ma Thuột mới chỉ trình UBND tỉnh Đắk Lắk cho ý kiến. Vậy nên mọi người không nên quá tin lời các môi giới bất động sản để tránh những thiệt hại có thể xảy ra. |