Theo đó, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ bày bán tràn lan và phổ biến trên trang mạng điện tử, trang facebook cá nhân, các chợ truyền thống, khu vực vùng nông thôn. Hiện Bộ Công thương đang đề xuất giải pháp quản lý, nhưng trong bối cảnh hiện tại, người tiêu dùng cũng cần thận trọng với lựa chọn tiêu dùng của mình.
Tại cuộc họp do Cục Quản lý thị trường tổ chức vừa qua cho thấy, tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn tiếp tục là vấn đề bức xúc trong dư luận xã hội, tác động tiêu cực đến đời sống người dân, môi trường sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nghiêm trọng hơn, tình trạng này đang ảnh hưởng xấu tới thị trường và môi trường đầu tư trong nước.
Thống kê trong năm 2017, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý trên 19.000 vụ vi phạm với tổng giá trị hàng hóa gần 600 tỷ đồng; xử phạt hành chính trên 73,8 tỷ đồng. Còn riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, các đơn vị chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 88.229 vụ việc vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, xử phạt và nộp ngân sách gần 7.500 tỷ đồng, khởi tố 887 vụ với 889 đối tượng. Riêng về lĩnh vực hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, xử lý hơn 5.000 vụ vi phạm, tăng 117% so với cùng kỳ năm 2017.
Ông Kiều Nghiệp, Trưởng phòng Chống hàng giả (Cục Quản lý thị trường), cho biết tình hình vi phạm hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ ngày càng diễn biến phức tạp. Trong thời gian gần đây đã điều tra, phát hiện nhiều vụ việc quy mô lớn, tính chất nghiêm trọng. Các vụ việc này chủ yếu liên quan đến hàng hóa có nguồn gốc nước ngoài thẩm lậu vào thị trường nội địa tiêu thụ, phổ biến là các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng tiêu dùng nhanh, quần áo, giày dép, túi xách… Cũng theo ông Nghiệp, phương thức và thủ đoạn vi phạm rất tinh vi. Các đối tượng thường in lậu tem nhãn, bao bì, giả xuất xứ các nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng, hoặc làm theo đơn hàng, làm đến đâu tiêu thụ đến đó, làm theo mùa vụ.
Không dừng lại đó, thị trường tiêu thụ loại hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ cũng rất phức tạp và rất khó kiểm soát. Bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, chia sẻ vi phạm phổ biến trong môi trường thương mại điện tử hoặc chợ truyền thống. Thậm chí, bán hàng online tại nhà, cửa hàng nhỏ không đăng ký kinh doanh hoặc chỉ là mặt bằng giao dịch. Các cơ sở sản xuất hàng gian, hàng giả thường có quy mô nhỏ, khi ngành chức năng tiến hành kiểm tra, cơ sở nhanh chóng di chuyển địa điểm. Bên cạnh đó, hiện thủ tục cấp giấy đăng ký kinh doanh rất đơn giản, thông thoáng, nên lợi dụng điều này, nhiều chủ cơ sở, doanh nghiệp sau khi bị phát hiện, xử lý vì buôn bán, sản xuất hàng giả đã thay đổi tư cách pháp nhân mới để tiếp tục hoạt động. Do vậy, các cơ quan chức năng cũng rất khó xác định để thực hiện kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa và hoạt động kinh doanh của các đối tượng trên.
Mua hàng giả: quá dễ
Trên thực tế, người tiêu dùng chỉ cần lên trang tìm kiếm của Google hoặc tạo lập facebook và đánh tên sản phẩm nổi tiếng cần tìm kiếm như Chanel, Gucci, L’Oréal… lập tức có thể kiếm đến hàng chục trang mạng bán những sản phẩm này. Giá sản phẩm cũng giao động từ mức khoảng vài trăm ngàn đến vài triệu đồng tùy theo loại sản phẩm. Khách hàng chỉ cần gọi điện thoại đặt hàng và hẹn xem hàng, người bán sẽ thông qua các công ty giao hàng chuyển hàng đến tận địa chỉ khách hàng yêu cầu.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất chính hãng cho rằng, hầu hết trong số sản phẩm trên đều là sản phẩm giả thương hiệu. Bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại L’Oréal, khẳng định tại một số trang mạng thương mại điện tử như Lazada, Bicicosmetic, orchard.vn… đang bày bán sản phẩm L’Oréal không phải là hàng chính hãng. Ngoài ra, 100% sản phẩm L’Oréal đang bày bán tại các chợ truyền thống cũng là hàng giả. Những sản phẩm mà công ty bị giả chủ yếu tập trung vào 10 loại mỹ phẩm là nước hoa, son, mascara, kem dưỡng da, phấn trang điểm, phấn mắt, kem chống nắng, sáp vuốt tóc, thuốc nhuộm tóc và chì kẻ mắt. Tương tự với tình trạng trên, đại diện Công ty Dược phẩm và chăm sóc sức khoẻ GSK, Công ty React Việt Nam, Công ty TNHH Ajinomoto Việt Nam… đều cho biết sản phẩm của họ đang bị làm giả và bày bán công khai tràn lan trên thị trường. Thậm chí, hàng giả còn được bán trong các hệ thống chuỗi cửa hàng có thương hiệu.
Trước thực tế trên, Bộ Công thương đã họp và đề nghị các cơ quan chức năng thực thi cần đổi mới và thúc đẩy mạnh mẽ công tác thực thi phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tập trung, bố trí tối đa nguồn lực cho công tác này, trong đó cần tập trung vào các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, mặt hàng trọng điểm như phân bón, thực phẩm chức năng, tân dược, mỹ phẩm, nhằm tạo những chuyển biến rõ rệt trong thời gian tới.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn chính là nhận thức của người tiêu dùng. Tiếp tay bằng cách sử dụng hàng giả chính là triệt tiêu doanh nghiệp sản xuất hàng chân chính. Do vậy, để có thể tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp sản xuất chân chính tồn tại và phát triển, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần phải lựa chọn mua hàng tại những cửa hàng, hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị có thương hiệu, có uy tín. Sản phẩm phải có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, tránh tham rẻ mà tự gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mình. Cao hơn nữa là gây ảnh hưởng đến “sức khỏe” của doanh nghiệp chân chính và cả của nền kinh tế.