Cẩn trọng với bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ

Bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm, bệnh viêm não Nhật Bản có xu hướng tấn công trẻ nhỏ, nhiều nhất là trẻ từ 5 - 15 tuổi. Tại khu vực phía Nam, bệnh xuất hiện nhiều ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. 
Bác sĩ Trương Hữu Khanh đang chăm sóc cho trẻ bị viêm não Nhật Bản
Bác sĩ Trương Hữu Khanh đang chăm sóc cho trẻ bị viêm não Nhật Bản
Gia tăng trẻ mắc viêm não Nhật Bản 
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 TPHCM, tính từ đầu năm 2017 đến nay, khoa đã tiếp nhận điều trị 24 ca viêm não Nhật Bản, chiếm 50% tổng số ca mắc các bệnh viêm não, viêm màng não.
“Thời điểm này có 6 bệnh nhi đang nằm điều trị, tất cả đều trong tình trạng nặng, phải thở máy. Có những hôm bệnh nhi nhập viện quá đông, khiến khoa không còn giường, không còn máy thở, buộc phải chuyển các cháu xuống Khoa Cấp cứu nằm tạm”, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho hay. 
Theo các chuyên gia cảnh báo, viêm não Nhật Bản được xem là một trong những bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ (từ 25% - 35%). Những di chứng này khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đây là bệnh cấp tính lây truyền qua đường máu, do virus viêm não Nhật Bản gây nên.
Ở Việt Nam, loại muỗi Culex tritaeniorhynchus sinh sản mạnh vào mùa hè (nhất là từ tháng 3 đến tháng 7), hoạt động mạnh vào lúc chập tối. Bệnh thường gặp ở những vùng nông thôn, đặc biệt xuất hiện nhiều ở vùng dân trồng lúa như các tỉnh Tây Nam bộ. Bệnh lây truyền từ động vật như heo, chim sang người qua trung gian truyền bệnh của loài muỗi Culex. Viêm não Nhật Bản có thể diễn ra quanh năm, nhưng cao điểm là từ tháng 5 đến tháng 9. 
Thấy con trai 12 tuổi sốt cao liên tục không dứt, chị Lê Thị Bé Nhất (ngụ tỉnh Long An) đưa con lên BV Nhi đồng 1 để khám bệnh và được chẩn đoán là mắc bệnh viêm não Nhật Bản. Tuy nhiên, khi hỏi về lịch sử chích ngừa của bé, chị Nhất không nhớ nổi con mình đã được chích ngừa vaccine viêm não Nhật Bản hay chưa.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, việc chủ quan không chích ngừa cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến trẻ dễ mắc viêm não Nhật Bản. Trong những năm trở lại đây, vaccine viêm não Nhật Bản đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, nên số trẻ nhỏ dưới 5 tuổi mắc bệnh đã giảm hẳn, chủ yếu thường gặp ở trẻ từ 5 - 15 tuổi. 
Nhiều di chứng nghiêm trọng
Hơn 8 tháng ròng rã túc trực chăm con tại BV Nhi đồng 1, chị Trần Thị Yến Nga (ngụ tỉnh Bến Tre) vô cùng hối hận vì trước đó không chích ngừa cho con. Tháng 10-2016, con chị bị sốt, sau 3 ngày uống thuốc không hết, chị đưa con đi khám bệnh ở BV Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) và được chuyển thẳng lên BV Nhi đồng 1. Rồi từ đó đến nay, bé Thái Văn Quế, con trai chị Yến Nga, vẫn chưa khỏi bệnh, phải sống phụ thuộc vào máy thở.
Thống kê cho thấy, 60% trẻ mắc viêm não Nhật Bản sẽ hồi phục, 30% sẽ có di chứng và khoảng 10% có thể tử vong.
Đây là 1 trong 2 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản đã điều trị lâu nhất tại Khoa Nhiễm - Thần kinh. Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, viêm não Nhật Bản thường phải điều trị trong nhiều ngày, có khi phải nằm viện cả tháng trời. Bên cạnh đó, bệnh viêm não Nhật Bản để lại hệ lụy khá nặng nề khi có quá nhiều di chứng, như lệ thuộc thở máy kéo dài dẫn đến bội nhiễm phổi và sẽ tử vong, hết bệnh nhưng phải sống đời sống thực vật, chậm phát triển trí tuệ, động kinh, yếu chi… Việc chăm sóc trong và sau quá trình điều trị cũng là vấn đề khi một số trẻ không thể tự ăn uống, đi lại, không tự phục vụ được sinh hoạt cá nhân.  
Hiện viêm não Nhật Bản chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như phương pháp điều trị tối ưu. Việc điều trị chủ yếu vẫn là sử dụng máy thở hỗ trợ suy hô hấp, sử dụng thuốc chống co giật…, nên mới chỉ giảm được tỷ lệ tử vong chứ chưa giảm được di chứng.
“Chích ngừa vaccine và diệt muỗi là 2 phương pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh. Cần chích ngừa đủ tối thiểu 3 mũi vaccine viêm não Nhật Bản, sau đó mỗi 3 năm có thể chích nhắc lại một lần để đảm bảo tính phòng ngừa”.
Bác sĩ TRƯƠNG HỮU KHANH
Thống kê cho thấy, 60% trẻ mắc viêm não Nhật Bản sẽ hồi phục, 30% sẽ có di chứng và khoảng 10% có thể tử vong. Mặc dù vậy, công tác phát hiện bệnh viêm não Nhật Bản hiện vẫn khá khó khăn, bởi chỉ khi nào trẻ mất tri giác, rơi vào hôn mê thì mới xác định được mắc viêm não Nhật Bản.
Trong giai đoạn đầu của bệnh, các bác sĩ tuyến dưới dễ nhầm lẫn với sốt siêu vi do cùng có các triệu chứng như sốt, nhức đầu, nôn ói…
“Muốn phát hiện bệnh sớm, các bác sĩ phải khám đi khám lại nhiều lần, quan sát kỹ tình trạng bệnh nhân. Khi bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu mất tri giác thì cần được can thiệp kịp thời, bởi viêm não diễn tiến nhanh, chỉ trong vòng 2 - 3 ngày, thậm chí chỉ 1 ngày là đã chuyển sang co giật, hôn mê”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.

Tin cùng chuyên mục