Bệnh diễn tiến nhẹ
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh, vừa qua, số học sinh hai trường THCS Lê Văn Tám và Lam Sơn nghỉ học vì bệnh hoặc xuống phòng y tế khám do sốt, mệt tăng nhanh đột biến (chiếm 11% tổng số học sinh cả 2 trường). Triệu chứng chính của các em là đau họng, sốt, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt. Ngoài ra, khoảng 10%-15% trường hợp có triệu chứng tiêu chảy, buồn nôn, nôn.
Sở Y tế TPHCM đã lập tổ chuyên gia về nhi khoa và dịch tễ học, gồm các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đến hai trường để khám cho các học sinh còn triệu chứng. Sau chẩn đoán lâm sàng, các bác sĩ nhận định nguyên nhân gây bệnh ở những học sinh này khả năng cao là nhiễm siêu vi hô hấp - bệnh khá thường gặp ở trẻ em.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết, sốt siêu vi là nhóm bệnh thường gặp, chiếm đa số trong các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp. Đây là tình trạng sốt cấp tính do nhiễm virus hay siêu vi trùng. Sốt siêu vi có thể diễn tiến thành sốt xuất huyết, viêm đường hô hấp, cảm cúm hay sốt phát ban, thậm chí bệnh tay chân miệng. Có nhiều chủng loại virus gây sốt siêu vi, phổ biến là enterovirus, adenovirus hay rhinovirus... Bệnh thường gặp vào mùa đông xuân hoặc mùa mưa, khi thời tiết lạnh, ẩm ướt, thuận lợi cho virus phát triển và lây lan.
Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó nhóm nguy cơ là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người lớn tuổi do hệ miễn dịch yếu. Đa phần bệnh diễn tiến nhẹ tự khỏi và không cần nhập viện. Tuy nhiên mức độ nặng nhẹ của bệnh còn tùy thuộc vào loại virus, mức độ nhiễm bệnh và sức khỏe cá nhân. Virus có thể lây truyền qua hít phải giọt bắn do người đang bị nhiễm virus ho hoặc hắt hơi; ăn hoặc uống thực phẩm bị nhiễm virus; bị côn trùng hoặc động vật mang virus đốt, cắn.
“Trong giai đoạn khởi phát bệnh, hầu hết trường hợp biểu hiện giống nhau, như sốt cao 38-40oC, đau đầu, đau nhức mình mẩy và mệt mỏi. Ngoài ra, còn có các dấu hiệu khác như ho, hắt hơi, sổ mũi, đau họng, biếng ăn, buồn nôn, tiêu chảy, phát ban, ngứa... Các triệu chứng xuất hiện tùy vào từng loại virus gây bệnh, có thể biến mất sau đó một tuần, nhưng ho và mệt mỏi thường kéo dài vài tuần”, bác sĩ Trương Hữu Khanh thông tin.
Nhận biết rõ dấu hiệu để điều trị
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, hiện số trường hợp bệnh nhân mắc bệnh hô hấp đang có sự gia tăng, đặc biệt là ở trẻ em. Nguyên nhân là do thời tiết ở các tỉnh phía Nam đang có diễn biến bất thường (đang mùa khô nhưng vẫn có những cơn mưa thất thường), nền nhiệt chênh lệch khá rõ trong ngày (lạnh về đêm và sáng sớm, nắng nóng giữa trưa) cũng như có sự chênh lệch nhiệt độ giữa các ngày trong tuần.
Để phòng tránh bị nhiễm siêu vi, phụ huynh không cho trẻ tiếp xúc với người đang bệnh, giữ ấm, đảm bảo vệ sinh ăn uống, môi trường sống thoáng mát, sạch sẽ. Rửa tay trước khi ăn, sau khi đi từ ngoài về nhà hay đi vệ sinh, bởi tay là nơi tiếp xúc nhiều bề mặt có thể chứa virus. Đeo khẩu trang là cách đơn giản nhưng hiệu quả để ngăn ngừa các giọt bắn chứa virus trong không khí. Bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng và lành mạnh để tăng cường hệ miễn dịch chống lại sự lây nhiễm virus.
Điều trị sốt siêu vi dựa vào nguyên nhân cơ bản gây bệnh, mức độ sốt cùng các triệu chứng khác đi kèm. Hạ sốt cho trẻ bằng cách dùng Paracetamol liều 10mg/kg mỗi 4-6 giờ để tránh sốt cao co giật, lau người bằng khăn mát, lau khô mồ hôi, nằm nơi thoáng mát, mặc quần áo mỏng. Cần cho trẻ uống nhiều nước và bù điện giải bằng cách uống oresol (một gói oresol pha một lít nước, uống dần trong ngày). Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, tắm bằng nước ấm; nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng dung dịch natri clorua 0,9% để tránh bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp. Cách ly trẻ, không cho đến trường; cho ăn lỏng, dễ tiêu.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo phụ huynh đưa trẻ dưới 2 tháng tuổi đến bệnh viện tái khám mỗi ngày cho đến khi xác định an toàn; khám khi trẻ sốt cao, khó hạ hoặc sốt trên hai ngày, sốt kèm xuất hiện chấm xuất huyết ở da hay hồng ban mụn nước lòng bàn tay, chân, toàn thân, phát ban, hoặc biểu hiện bất thường nào khác.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, cần tái khám ngay nếu trẻ có các dấu hiệu sau: lơ mơ, ngủ li bì, khó đánh thức; nôn ói nhiều, không ăn uống được hoặc bỏ bú; co giật hay giật mình chới với, run tay chân; thở bất thường, thở mệt, tím tái; tay chân mát lạnh, da nổi bông; đau bụng; chảy máu cam, máu răng, ói máu, đi tiêu phân đen... Hiện nhiều bệnh nhiễm trùng gây sốt siêu vi có thể ngăn ngừa được nhờ tiêm chủng. Vậy nên, nếu có thể, phụ huynh hãy cho trẻ tiêm các loại vaccine hiện có như cúm, sởi, rubella, quai bị...