Theo Bộ TT-TT, tính riêng trong năm 2022, có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản, và các hình thức kết hợp khác) với 16 hình thức lừa đảo thường xuyên diễn ra trên không gian mạng Việt Nam.
Nhóm giả mạo thương hiệu lợi dụng thương hiệu của các tổ chức (ngân hàng, cơ quan nhà nước, công ty tài chính, chứng khoán…) để gửi tin nhắn SMS lừa đảo cho nạn nhân. Nhóm giả mạo các trang web/blog chính thống tạo uy tín để lừa nạn nhân, chiếm đoạt các tài khoản mạng xã hội (Zalo, Facebook, TikTok…) và tiến hành gửi tin nhắn lừa đảo cho bạn bè, người thân nhằm chiếm quyền tài khoản, lấy cắp thông tin… Nhóm các hình thức lừa đảo kết hợp: sử dụng số điện thoại (trong nước, nước ngoài, đầu số lạ…) giả danh cơ quan chức năng, công an, nhà mạng viễn thông… để gọi điện thoại cho nạn nhân thông báo vi phạm pháp luật và yêu cầu chuyển khoản; giả mạo nhân viên cấp cao các trang thương mại điện tử để lừa nạn nhân làm cộng tác viên đóng tiền nhận thưởng…
Các hình thức trên đã lừa được rất nhiều nạn nhân. Theo cơ quan chức năng, năm 2022 đã ghi nhận 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến với 2 loại hình lừa đảo chính: lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân (chiếm 24,4%) và lừa đảo tài chính (chiếm 75,6%).
Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia cũng vừa phát hiện một đợt tấn công tài khoản một số ngân hàng ở Việt Nam nhằm đánh cắp thông tin danh tính và tài khoản. Kẻ gian sử dụng tin nhắn văn bản hoặc gọi điện tới thuê bao của người dùng, qua đó thông báo về chương trình nâng cấp hạn mức thẻ (tín dụng), gửi đường dẫn chuyển hướng tới website mạo danh ngân hàng…, sau đó tấn công vào tài khoản ngân hàng của nạn nhân. Cả nước có hơn 70 triệu người sử dụng Internet và trong giai đoạn đẩy mạnh, tăng tốc chuyển đổi số như hiện nay, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia cảnh báo các đối tượng xấu lợi dụng sự bùng nổ ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến. Mục tiêu cuối cùng của lừa đảo qua mạng là chiếm đoạt tài sản, các hành vi lừa đảo đều đánh vào tâm lý nhẹ dạ cả tin, thiếu sự tiếp cận thông tin, thiếu việc làm hoặc thu nhập thấp…
Ngoài nỗ lực của các cơ quan chức năng trong phòng chống tội phạm mạng, người dân cần trang bị kiến thức để nhận biết các hành vi lừa đảo qua mạng, nhất là trong những ngày gần tết và trong tết.