Đây cũng là cơ hội cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng len lỏi lưu thông đánh lừa người tiêu dùng. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, người tiêu dùng cần hết sức cẩn trọng trong mua sắm, chọn lựa hàng hóa thực phẩm cuối năm.
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, dự báo trong dịp tết sắp tới, nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố sẽ tăng cao nên các doanh nghiệp, nhà phân phối đã chuẩn bị nhiều nhóm hàng với lượng lớn, chi phối 20%-53,2% nhu cầu thị trường. Cụ thể, thịt gia cầm chiếm 53%, trứng 48,6%, thực phẩm chế biến là 28%, thịt gia súc 21%… Đối với mặt hàng bánh mứt, kẹo, hạt, Sở Công thương dự báo nhu cầu tiêu thụ trên toàn địa bàn khoảng 19.000 tấn. Để phục vụ nhu cầu của thị trường, hiện các công ty bánh kẹo đang tập trung cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng. Với mặt hàng bia, nước giải khát, dự báo nhu cầu tiêu thụ trong tháng tết đạt khoảng 45 triệu lít bia và 50 triệu lít nước giải khát, tăng khoảng 30% so với các tháng thường.
Một vài con số thống kê của ngành công thương cho thấy nhu cầu sử dụng, tiêu thụ các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu trong dịp tết là rất lớn. Chính vì thế, cơ quan chức năng tại TPHCM tập trung kiểm tra, phát hiện hàng hóa không đúng nguồn gốc, hàng giả. Theo kế hoạch, Cục Quản lý thị trường TPHCM sẽ phối hợp với 24 quận huyện tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hàng lậu, hàng giả. Kiểm tra hoạt động phân phối, thu mua hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu của thương nhân nước ngoài, tránh gây xáo trộn thị trường trong nước, các hành vi đầu cơ, găm hàng để tăng giá.
Cùng với việc tăng cường quản lý, các cơ quan chức năng của thành phố cũng khuyến cáo người tiêu dùng phải cẩn trọng, thông thái trong mua sắm hàng thực phẩm, bánh kẹo trong thời điểm cuối năm. Theo đó, người tiêu dùng cần lựa chọn sản phẩm đến từ các thương hiệu nổi tiếng, uy tín trên thị trường. Đặc biệt, để tránh trường hợp mua phải hàng kém chất lượng thì người tiêu dùng nên mua tại các điểm bán chính thống như siêu thị, đại lý, cửa hàng tạp hóa đáng tin cậy. Tránh mua sản phẩm trôi nổi không nhãn mác, không rõ xuất xứ thường được bày bán tại các chợ cóc.
Một điểm đáng lưu ý khác là người dân cũng cần hết sức thận trọng với các loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt, vì có thể những sản phẩm này chứa phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe. Và quan trọng là người dân cần chủ động hợp tác với cơ quan chức năng khi phát hiện các loại thực phẩm nghi ngờ là hàng nhái, hàng giả cũng như các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh không đảm bảo an toàn thực phẩm, để cơ quan chức năng có biện pháp kiểm tra, giám sát và kịp thời ngăn chặn.
Riêng với mặt hàng bánh kẹo, do nằm trong danh mục thực phẩm bắt buộc phải đảm bảo đủ các điều kiện về an toàn thực phẩm nên khi sản phẩm lưu thông trên thị trường phải công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm tại cơ quan y tế có thẩm quyền. Vì vậy, khi mua bánh kẹo, tốt nhất người tiêu dùng nên lựa chọn sản phẩm của các thương hiệu uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh mua phải hàng nhái kiểu dáng, nhãn hiệu. Khi mua giỏ quà, cần chú ý chất lượng bánh kẹo bên trong, nên tự chọn bánh kẹo rồi nhờ chủ quán xếp thành giỏ quà. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần chú ý kỹ các thông tin về nơi sản xuất, thành phần, ngày sản xuất, hạn sử dụng và cách bảo quản sản phẩm được in trên bao bì. Chỉ mua các sản phẩm bánh kẹo đã được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm do Cục An toàn thực phẩm cấp với ký hiệu cụ thể như sau: (số thứ tự)/(năm cấp)/ATTP-XNCB.
Đối với nhiều khách hàng có xu hướng mua hàng online, hàng xách tay để tặng, biếu người thân, bạn bè trong dịp tết cũng phải chú ý lựa chọn thương hiệu có uy tín để tránh mất tiền mà thêm bực mình.