Cẩn trọng làm đẹp cấp tốc đón tết

Thời điểm cận tết là dịp các cơ sở thẩm mỹ rộn ràng hơn bao giờ hết do nhu cầu làm đẹp của các chị em tăng cao. Song, các chuyên gia cảnh báo, các chị em cần tìm hiểu kỹ, lựa chọn các cơ sở làm đẹp uy tín, đảm bảo chất lượng để tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.
Bác sĩ Bệnh viện Da liễu TPHCM thăm khám cho bệnh nhân bị biến chứng do tiêm chất tan mỡ
Bác sĩ Bệnh viện Da liễu TPHCM thăm khám cho bệnh nhân bị biến chứng do tiêm chất tan mỡ

Bỏ tiền mua tật

Mới đây, Bệnh viện (BV) Da liễu TPHCM tiếp nhận một trường hợp nữ bệnh nhân 49 tuổi (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) bị nổi áp-xe do tiêm chất tan mỡ. Trước đó, bệnh nhân đến một cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn quận 10 (TPHCM) để tiêm tan mỡ sau khi đọc quảng cáo trên Facebook. Kỹ thuật tiêm được thực hiện trong vòng 45 phút, không đau đớn với lời hứa hẹn sau 5-7 ngày mỡ sẽ được đào thải qua hệ bài tiết. Tuy nhiên, sau khi tiêm 1 tuần, vùng bụng, hông, đùi của bệnh nhân nổi nhiều nốt đỏ, sưng, cứng và càng ngày các ổ mủ xuất hiện càng dày đặc, gây đau nhức...

Bác sĩ Phạm Thị Thanh Giang, Khoa Thẩm mỹ da - BV Da liễu TPHCM, cho biết, bệnh nhân bị áp-xe sau tiêm tan mỡ có nguyên nhân do tiêm thuốc tan mỡ không rõ nguồn gốc hoặc nhân viên thực hiện sai kỹ thuật tiêm, không đảm bảo vô trùng trong quá trình tiêm. Bệnh nhân sau đó được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm và được điều trị bằng các thuốc kháng sinh, kháng viêm liều cao. Sau hơn 1 tuần điều trị, các vết loét khô, các nốt viêm giảm sưng. Tuy nhiên, theo bác sĩ Phạm Thị Thanh Giang, điều trị tai biến do tiêm tan mỡ đòi hỏi lâu dài và điều trị tích cực, một số bệnh nhân sau khi điều trị ổn định nhưng vẫn có thể tái phát, hậu quả là để lại di chứng sẹo xấu.

Tương tự, BV JW Hàn Quốc (TPHCM) vừa tiếp nhận một bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mông căng tức, xuất hiện nhiều dấu hiệu hoại tử, tím tái, các lỗ thủng trên mông liên tục tuôn trào dịch mủ. Bệnh nhân là chị N.T.N. (30 tuổi, ngụ Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết, cách đây 4 năm chị đã tìm đến một thẩm mỹ viện ở địa phương để thực hiện tiêm filler độn mông cấp tốc. Do thấy mông bị xẹp, gần đây, chị trở lại cơ sở thẩm mỹ cũ để tiêm thêm filler nhằm “tân trang”, kịp đón tết. Tổng filler chị được tiêm lên đến 600cc. Tuy nhiên, sau tiêm 1 ngày, mông chị N. bắt đầu có dấu hiệu đau nhức, căng cứng. Các vết bầm xuất hiện trên mông ngày càng đậm hơn. Dù đã được một BV tại địa phương điều trị nhưng tình trạng mông căng cứng, đau nhức và có nhiều dịch mủ trào ra khiến chị N. lo lắng. Tại BV JW Hàn Quốc (TPHCM), kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy filler đã lan rộng khắp vùng mông của chị N., đến tận khu vực xương chậu, khiến mông bị sưng phồng, cứng, nhiều vùng bị vón cục, nếu không điều trị khẩn cấp sẽ dẫn đến hoại tử.

Ê kíp bác sĩ BV JW Hàn Quốc đã nỗ lực thực hiện ca phẫu thuật trong suốt 5 giờ để nạo hút ổ áp-xe hai bên mông bệnh nhân. Các bác sĩ phải trực tiếp dùng tay nạo vét từng mảng filler, đồng thời liên tục bơm rửa để làm sạch ổ áp-xe.

Trên đây là 2 trong nhiều trường hợp có nguy cơ “mất tết” sau khi làm đẹp cấp tốc mà các BV tại TPHCM vừa ghi nhận. Thực tế, tại các BV chuyên khoa thẩm mỹ và các BV có khoa thẩm mỹ trên địa bàn TPHCM thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp tai biến sau thẩm mỹ, nhất là dịp cận tết.

Chọn mặt gửi “vàng”

Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của chị em phụ nữ, nhất là trong những thời điểm gần đến các dịp lễ, tết. Nắm bắt nhu cầu này, các cơ sở thẩm mỹ, chăm sóc da, tóc thường tung ra các “chiêu” để thu hút khách hàng như: làm đẹp cấp tốc, về dáng thần tốc, trắng da chỉ sau một liệu trình… với các gói khuyến mãi vô cùng rẻ. Thế nhưng, hậu quả của các gói làm đẹp “siêu tốc” này lại vô cùng nghiêm trọng. Người nhẹ thì không đẹp như ý muốn, nặng thì biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe. Thậm chí đã có trường hợp tử vong do thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ ở các cơ sở thẩm mỹ không phép.

Nhiều năm công tác trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ, hầu như ngày nào PGS-TS Đỗ Quang Hùng, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, BV Chợ Rẫy, cũng xử lý các ca biến chứng thẩm mỹ, nhiều nhất là vào dịp cuối năm. Các ca biến chứng từ làm đẹp không xâm lấn như tiêm filler, tiêm tan mỡ... đến các ca xâm lấn như nâng mũi, hút mỡ, cắt da thừa vùng bụng… Nguyên nhân đa số là do thực hiện ở các cơ sở thẩm mỹ không phép, người thực hiện không được đào tạo chuyên môn. “Do nhu cầu làm đẹp của người dân ngày càng cao nên các dịch vụ thẩm mỹ mọc lên như nấm sau mưa, và rất nhiều trong số đó là các cơ sở không phép, không có bác sĩ chuyên môn. Trong khi đó, người dân lại mong muốn thực hiện dịch vụ nhanh, rẻ nên có xu hướng tin vào quảng cáo, không biết rằng đây là các cơ sở thẩm mỹ chui. Và hậu quả là nhiều khi rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” vì thẩm mỹ “dỏm”, PGS-TS Đỗ Quang Hùng thông tin.

Trước thực trạng trên, TS-BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc BV JW Hàn Quốc (TPHCM), khuyến cáo, hiện nhu cầu làm đẹp cận tết tăng rất cao. Nhiều chị em sợ đau nên thường chọn những phương pháp làm đẹp không xâm lấn, hoặc cấp tốc với giá rẻ. Tuy nhiên, không phải quảng cáo nào cũng chính xác 100%, đặc biệt là nhiều cơ sở làm đẹp “chui” thường để quảng cáo sai sự thật, lừa gạt khách hàng. “Cần tỉnh táo khi chọn cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp để đón một cái tết vừa đẹp vừa an toàn đúng nghĩa”, TS-BS Nguyễn Phan Tú Dung cảnh báo.

Theo Sở Y tế TPHCM, trên địa bàn thành phố có 20 bệnh viện thẩm mỹ, 28 bệnh viện đa khoa có khoa, đơn vị thẩm mỹ, 5 phòng khám đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ, 226 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, 46 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ xăm, phun, thêu trên da và nhiều cơ sở chăm sóc da, spa, cắt tóc, gội đầu, làm móng.

Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các biển hiệu của các cơ sở cung cấp dịch vụ làm đẹp đều chọn tên “Thẩm mỹ viện…” hay “Viện thẩm mỹ…” dễ khiến người dân hiểu nhầm là cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép.

Tin cùng chuyên mục