Việc ngày càng có nhiều tọa đàm, workshop, talkshow được tổ chức ở các trường đại học, các cơ sở đào tạo, hay các câu lạc bộ, hội nhóm… Nếu không được chuẩn bị kỹ lưỡng và có sự kiểm soát, đặc biệt là kiểm tra nội dung chia sẻ của các khách mời, có thể sẽ để lại những hậu quả khó lường.
Sự việc buổi nói chuyện với một số thông tin sai lệch, ngôn từ phản cảm của biên kịch Bình Bồng Bột (tên thật là Nguyễn Thanh Bình) tại một trường đại học ở TPHCM có thể đã khép lại sau lời xin lỗi công khai của anh trên Facebook cá nhân, cũng như giải thích từ phía ban tổ chức. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên các buổi trò chuyện cho sinh viên có những thông tin gây tranh cãi.
Vào đầu tháng 8, sau khi kết thúc buổi talkshow Góc nhìn chuyên gia: Từ concert Blackpink đến các sự kiện quốc tế tại Đại học Hoa Sen, diễn giả khách mời bị phát hiện là “giả mạo” người trong ban tổ chức và có những chia sẻ sai lệch về chương trình. Hay như cuối tháng 3, sinh viên một trường đại học ở TPHCM khi tham gia một hội thảo về khởi nghiệp đã rất bất bình với phát ngôn của diễn giả: “Tụi em học đại học làm gì rồi sau này cũng đi làm thuê cho người ta”.
Đầu tiên, phải khẳng định các buổi talkshow, hội thảo, workshop mang đến cơ hội cho những người trẻ được học hỏi, trao đổi thẳng thắn, tích lũy kinh nghiệm thực tế, bổ sung thêm nhiều thông tin hữu ích, hay các kỹ năng mềm. Các diễn giả được mời tham gia cũng đều là những người có kinh nghiệm, tiếng nói, hoặc có sức ảnh hưởng nhất định, thậm chí đôi khi là thần tượng của giới trẻ.
Có thể thấy, tại những buổi trò chuyện này, số lượng sinh viên tham gia trực tiếp có thể không nhiều, nhưng sau đó các thông tin, clip được lan tỏa rất nhanh trên mạng xã hội và lượng người tiếp cận sẽ rất lớn. Do đó, việc đảm bảo thông tin chính xác, cách truyền tải thuyết phục và phù hợp là điều tối quan trọng. Những phát ngôn “vạ miệng” của các diễn giả có thể sẽ rất khó kiểm soát 100% khi chương trình đang diễn ra. Điều này đặt ra vấn đề, các đơn vị tổ chức phải cẩn trọng, nghiêm túc hơn trong khâu chuẩn bị; lựa chọn khách mời như thế nào, chương trình tập trung vào nội dung gì… cần được bàn bạc, thống nhất và có sự kiểm soát.
Đừng để vì những sai sót tưởng chừng nhỏ nhặt lại gây ra những tác dụng ngược, làm mất đi ý nghĩa và mục đích tốt đẹp ban đầu. Và trong trường hợp xảy ra sai sót, việc nhận lỗi, sửa sai nhanh chóng là điều rất quan trọng, bởi thông tin đính chính, phản hồi sẽ giúp ngăn chặn việc các thông tin sai lệch bị phát tán, gây ra những dư luận xã hội tiêu cực.