Ghi danh vào danh sách Di sản phi vật thể cấp quốc gia là việc làm thường xuyên và góp phần tôn vinh, gìn giữ di sản, làm tăng thêm trách nhiệm của cộng đồng với di sản. Song, để di sản có được vị trí trong đời sống của cộng đồng lại là câu chuyện rất khác.
Các chuyên gia văn hóa luôn nhấn mạnh rằng, giá trị của di sản phi vật thể cần được nhìn nhận với các tiêu chí như di sản đó đang được thực hành trong đời sống cộng đồng như thế nào; có đóng góp quan trọng cho cộng đồng hay không? Nếu người dân vẫn mong muốn và thực hành di sản, không căn cứ vào nhân vật là truyền thuyết, có thật trong lịch sử hay không thì cần phải xem đó là tiêu chí đánh giá, thẩm định.
Hội đồng thẩm định di sản văn hóa phi vật thể quốc gia căn cứ trên việc thực hành tín ngưỡng của cộng đồng, theo quan điểm những giá trị tồn tại từ quá khứ, có lợi ích cho cộng đồng, được cộng đồng tôn trọng và duy trì thì cần tôn trọng, ủng hộ.
Có thể thấy, giá trị di sản xuất phát từ tín ngưỡng, niềm tin của cộng đồng; được thực hành và trao truyền qua các thế hệ; góp phần liên kết cộng đồng và tạo sức mạnh tinh thần cho cộng đồng vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Nhiều di sản phi vật thể gắn với nhân vật truyền thuyết có thể kể đến như Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc; lễ hội Phủ Giầy...
Việt Nam là một nước đa dân tộc, đa tôn giáo, địa hình, thổ nhưỡng cũng phong phú, bởi vậy bản sắc văn hóa, tín ngưỡng cũng đa dạng, nhiều màu sắc khác biệt. Tất nhiên cũng có những di sản chung của nhiều địa phương như nghi lễ cấp sắc của người Dao hay múa xòe của người Thái…
Song phần lớn các di sản phi vật thể mang màu sắc đặc trưng của một cộng đồng, trong một khu vực địa lý cụ thể ví như lễ cướp phết ở Hiền Quan, Phú Thọ; lễ cướp chiếu ở hội Gióng, đền Phù Đổng; lễ phát ấn đền Trần, Nam Định… Trước khi lễ hội được nâng cấp, mở rộng, hoạt động này chỉ dành cho bà con trong xóm, ngoài làng và đều là hoạt động vui chơi mang tính “cầu may” đầu xuân mới. Nhưng dần dà, khi được nâng lên thành lễ hội cấp tỉnh, rồi cấp quốc gia… và người dân tứ xứ đổ về khiến cho tính chất vui vẻ của nghi lễ ở một số nơi dễ trở thành các màn “tranh cướp” đổ máu.
Chính bởi vậy, việc nâng tầm các di sản, đặc biệt là các di sản phi vật thể - sản phẩm từ sự sáng tạo của một cộng đồng lên mức cao hơn, vượt qua khỏi địa bàn quen thuộc của chủ thể di sản, không phải lúc nào cũng là sự ghi nhận, tôn vinh phù hợp. Những tranh chấp về quyền chủ thể cũng không phải chưa từng xảy ra. Câu chuyện xung quanh việc đề nghị đưa nghi lễ thực hành lễ giỗ bà Phi Yến ra khỏi danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vừa qua cũng là một hồi chuông cảnh báo.
Đối với các nhân vật trong di sản phi vật thể, có những trường hợp thực thực, hư hư, vừa là sản phẩm của hư cấu, tưởng tượng, thể hiện ước vọng mong muốn của cộng đồng song lại mang bóng dáng của nhân vật lịch sử thì mỗi quyết định hành chính của người quản lý lại phải cân nhắc, cẩn trọng, xem xét kỹ yếu tố hài hòa giữa các cộng đồng.
Văn hóa, tín ngưỡng là phạm trù cảm xúc, không rõ ràng giống như toán học, 1 cộng 1 bằng 2, bởi thế chuyện đúng - sai, hay - dở… cũng có những lúc mờ nhòe không thể rõ ràng mà phán quyết. Những vấn đề của văn hóa không dễ gì có thể giải quyết bằng các văn bản hành chính, cũng không phải bằng việc nâng tầm, ghi danh hay đưa ra khỏi danh mục, mà điều cốt lõi chính là phải thấu hiểu, khích lệ và nuôi dưỡng di sản sống lâu bền trong chính cộng đồng.