Hàng loạt cơ sở buôn bán lớn nhỏ, bao gồm trực tiếp lẫn trực tuyến, trên địa bàn TPHCM đang tấp nập vào mùa kinh doanh Tết Canh Tý 2020. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp làm ăn chân chính; các lực lượng chuyên ngành chống buôn lậu, gian lận thương mại đã liên tiếp phát đi cảnh báo về các chiêu trò, thủ đoạn của đối tượng gian thương. Mới đây là kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2020 của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.
Giám sát tình trạng “mượn” xuất xứ
Cục Hải quan TPHCM cho biết, đơn vị mới tiếp đoàn Lãnh sự Hoa Kỳ đến làm việc. Đại diện đoàn này thắc mắc tại sao có rất nhiều container chuyên chở mật ong rất lớn từ Việt Nam xuất qua Hoa Kỳ, trong khi trên thực tế mật ong không nhiều, dồi dào để có thể xuất khẩu hàng chục, thậm chí hàng trăm container? Do vậy, họ đã tiến hành khảo sát tại một trang trại nuôi ong ở Tây Nguyên và phát hiện nơi sản xuất chỉ là một cơ sở nhỏ, ghi trên hàng hóa “Made in Viet Nam”, nhưng nguồn nguyên liệu không phải tại chỗ mà từ rất nhiều nơi khác nhau, nói chung là tổng hợp từ một số quốc gia lân cận. Điều này khiến phía Lãnh sự Hoa Kỳ bất ngờ. Bởi đối với một nước tiên tiến, hàng hóa đều có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo chất lượng, đúng cam kết đối với người mua.
Trước đó, thông tin hàng chục ngàn sản phẩm nồi cơm điện, xe đạp điện “mượn” xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu qua nước ngoài vừa bị hải quan các tỉnh phát hiện đã khiến dư luận xôn xao. Đỉnh điểm vụ việc chính là việc Hoa Kỳ thông báo kết luận việc điều tra lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp với thép cán nguội và thép chống ăn mòn của Việt Nam, quyết định áp thuế lên tới 456%. Điều này xuất phát từ nghi ngờ một số loại thép Việt Nam có xuất xứ từ Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan. Đây được xem là mức thuế chống lẩn tránh thuế cao nhất từ trước đến nay của Hoa Kỳ dành cho sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam trong 4 năm gần đây.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, tình trạng “mượn” xuất xứ đã xảy ra từ lâu, nhưng chỉ thực sự khiến doanh nghiệp “thức tỉnh” sau vụ Hoa Kỳ áp thuế 456% đối với thép cán nguội và thép chống ăn mòn của Việt Nam như nói trên. Ông Nguyễn Viết Lê, giám đốc một doanh nghiệp chuyên về trái cây nhập khẩu tại quận Bình Thạnh, dẫn chứng: “Các loại trái cây từ Trung Quốc nhập về chợ đầu mối nước ta có giá khá mềm, nhưng khi đẩy ra thị trường lại được gắn mác trái cây Australia, Nhật Bản, Hoa Kỳ… với mức giá cao gấp 3-6 lần giá thông thường, có bao bì thiết kế đẹp mắt, sang trọng. Tương tự, với đồ may mặc hay thời trang. Đôi khi việc nhầm lẫn phải trả giá cao cho những món hàng bình thường nhưng gắn mác xịn”. Một cán bộ chuyên trách về chống buôn lậu, gian lận thương mại tại TPHCM thừa nhận, mặc dù đã làm công tác này vài chục năm, nhưng rất nhiều vụ phải “bó tay” nếu không có chủ sở hữu thương hiệu đi cùng. “Làm sao phân biệt được hàng mạo danh với hàng thật không hề đơn giản”, vị cán bộ này bức xúc.
Phối hợp kiểm tra liên ngành, ổn định thị trường
Để ngăn chặn hành vi gian lận thương mại, mới đây Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng ban Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả - đã ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Canh Tý 2020. Theo đó, kế hoạch nêu rõ, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn cả nước vẫn diễn biến phức tạp; các đối tượng hoạt động có tổ chức, ngày càng tinh vi và manh động. Nổi lên là tình trạng buôn lậu các mặt hàng tiêu dùng, điện tử có thuế suất nhập khẩu cao; buôn bán, nhập lậu hàng giả, nhất là hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam... ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, thất thu ngân sách nhà nước. Do vậy, các cơ quan chức năng phải chủ động nắm vững diễn biến tình hình; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng giả trong dịp tết.
Về phía các bộ ngành, địa phương cần tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; xác định đối tượng, tuyến, địa bàn, hàng hóa trọng điểm; kiểm soát địa bàn cho từng cơ quan chức năng thuộc địa phương và trung ương đóng tại địa bàn. Thêm nữa, cần xây dựng phương án tổ chức lực lượng, phương tiện tăng cường kiểm tra, kiểm soát biên giới, cửa khẩu và nội địa, trọng tâm kiểm soát, ngăn chặn triệt để tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập khẩu có điều kiện… Đồng thời chủ động tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát, điều phối công tác chống gian lận thương mại theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách.
Đối với Bộ Công thương, cần chủ động phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo sở công thương các địa phương theo dõi, dự báo sớm nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu để chủ động có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường hàng hóa tết; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, triển khai dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đảm bảo cung cấp đủ nguồn hàng hóa tiêu dùng chất lượng cho nhân dân; chỉ đạo các sở ngành, lực lượng chức năng địa phương tăng cường công tác xử lý hành vi sản xuất, buôn bán hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng và các hành vi vi phạm về niêm yết giá.