Với tổng diện tích giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án theo quy hoạch khoảng 3.689ha, dự án được phân chia thành nhiều dự án thành phần, vận hành độc lập, trên cơ sở bảo đảm yêu cầu về tính đồng bộ và khả năng kết nối.
Qua thẩm tra sơ bộ, một vấn đề khiến cơ quan thẩm tra dự án - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội quan ngại là về hình thức đầu tư, trong danh mục 11 dự án thành phần giai đoạn 2017 - 2020, dự kiến có 8 dự án thành phần được đầu tư theo hình thức BOT, 3 dự án còn lại được đầu tư theo hình thức đầu tư công và hình thức đầu tư BT.
Trong khi đó, kết quả giám sát năm 2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT cho thấy còn nhiều hạn chế, bất cập. Việc lựa chọn dự án nào làm theo hình thức nào cũng có sự không thống nhất quan điểm giữa cơ quan trình và cơ quan thẩm tra. Như đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình) có chiều dài 15km, lưu lượng 25.556 xe con quy đổi/ngày/đêm - cao nhất toàn tuyến - lại được lựa chọn đầu tư công, trong khi chính dự án này lại có khả năng huy động vốn xã hội cao nhất, cơ quan thẩm tra nêu rõ.
Đáng lưu ý, phương án vốn cho dự án cũng chưa thật sự thuyết phục. Theo số liệu khái toán Chính phủ trình, tổng vốn đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 của dự án khoảng 130.216 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án khoảng 55.000 tỷ đồng, nguồn vốn huy động ngoài ngân sách dự kiến khoảng 63.716 tỷ đồng (bao gồm: vốn chủ sở hữu khoảng 12.743 tỷ đồng và vốn vay khoảng 50.973 tỷ đồng). Khả năng huy động tới gần 51.000 tỷ đồng vốn vay từ các tổ chức tín dụng trong điều kiện hiện nay sẽ gặp nhiều khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Trước đó, chiều 12-10 khi trả lời một số vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu về đầu tư phát triển, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự án cao tốc Bắc - Nam hiện triển khai rất chậm. Một mặt lo ngại khó giải ngân 70.000 tỷ đồng đã bố trí (nếu dự án cao tốc không được Quốc hội thông qua), nhưng ở chiều ngược lại, nếu dự án thực sự được triển khai thì lo đủ vốn cho kịp với tiến độ đầu tư, trong đó có việc thu xếp 51.000 tỷ đồng vốn vay, là một thách thức lớn.
Nhìn rộng ra, nhiệm vụ cân đối tài chính - ngân sách quốc gia cũng tương tự. Qua thẩm tra báo cáo tài chính - ngân sách, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, thu NSNN cả năm 2017 ước vượt 2,3% (27,3 ngàn tỷ đồng) so với dự toán, nhưng nguồn thu chưa bền vững, thể hiện qua việc thu nội địa, ước cả năm chỉ tăng 2,1% so với dự toán. Chính vì thế, yêu cầu điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, đặc biệt là nâng cao hiệu quả chi, “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” vẫn luôn luôn là phương châm hành động đúng đắn đối với một nền kinh tế còn nhiều khó khăn như nước ta.