Cẩn trọng đầu tư cổ phiếu tăng nóng

VN-Index trong sáng ngày 28- 11 đã vượt 941 điểm, đây là mức tăng kỷ lục trong một thập kỷ qua, tính từ cuối năm 2007. Từ đầu năm đến nay, VN-Index đã tăng 274,5 điểm, tương ứng tăng gần 41%.
Nhà đầu tư theo dõi giá cổ phiếu tại một công ty chứng khoán Ảnh: Cao Thăng
Nhà đầu tư theo dõi giá cổ phiếu tại một công ty chứng khoán Ảnh: Cao Thăng
Chỉ tính riêng trong một tuần trước, VN-Index đã tăng kỷ lục 5%, khiến nhiều người lo ngại về mức độ tăng nóng của thị trường.

Phá vỡ các quy luật 
Nhìn lại thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm cho thấy, VN-Index không chỉ liên tục vượt kỷ lục đỉnh trong 10 năm qua, mà còn phá vỡ các quy luật như “sell in may and go away” (bán tháng 5 và đi chơi), hay thống kê về tháng 11 tệ hại trong quá khứ… VN-Index đã tăng mạnh trong tháng 5 và đà tăng tập trung lớn trong tháng 11, với chỉ số này vụt tăng 123 điểm kể từ ngày 23-10. Tuy nhiên, điều đáng nói là thị trường đang diễn ra hiện tượng “xanh vỏ, đỏ lòng”. Sóng tăng không lan tỏa khắp thị trường, mà dòng tiền chỉ tập trung vào một vài cổ phiếu có mức vốn hóa lớn như VIC, SAB, VRE, VNM và các dòng cổ phiếu sắp thoái vốn như BHN, BMP… 

Thực tế cho thấy, chỉ trong một tháng qua, vốn hóa của 5 cổ phiếu gồm VNM, SAB, VIC, VRE, ROS đã tăng tổng cộng 176.000 tỷ đồng, chiếm tới 47% đà tăng quy mô trên sàn HOSE (TPHCM). Mức vốn hóa của 5 cổ phiếu này cũng vượt 852.000 tỷ đồng, chiếm tới 34,4% vốn hóa của HOSE. Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, chỉ số tăng chỉ là kéo trụ xoay vòng các mã trong tốp 10 của VN30-Index (30 cổ phiếu có vốn hóa và thanh khoản cao nhất thị trường), trong khi hầu hết các nhà đầu tư cá nhân chủ chốt của dòng tiền tham gia trên thị trường lại đang mắc kẹt ở những hàng hóa từ cơ bản cho đến đầu cơ. Độ chênh lệch của thị trường rộng, khiến nhiều ý kiến cho rằng thị trường đang rơi vào tình trạng nguy hiểm. 

Theo ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn Công ty Chứng khoán MBS, việc VN-Index tăng mạnh nhờ một số nhóm cổ phiếu trụ nhất định là chưa phản ánh đúng thực trạng định giá hiện tại của thị trường chung. Tuy nhiên, quan sát giao dịch trong tuần qua và 2 phiên đầu tuần cho thấy có sự dịch chuyển dòng tiền một cách rõ rệt từ nhóm trụ như VNM, VIC sang các nhóm khác như ngân hàng, bất động sản, dầu khí…, nên thị trường hiện tại chưa quá nóng và chưa đáng ngại. Một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường cũng cho biết, những phiên giao dịch gần đây, các cổ phiếu nhỏ lẻ, thuộc dạng “đỏ lòng”, cũng đã bắt đầu tăng theo. Nhiều mã cổ phiếu quy mô vừa trước đây chưa tăng thì nay cũng đã tăng, nên nhà đầu tư cá nhân cũng đã được hưởng lợi trên thị trường này. 

Lịch sử năm 2007 có lặp lại?


VN-Index đã liên tục vượt qua các mốc kháng cự của 10 năm nay và lập đỉnh mới. Theo các chuyên gia trong ngành, dòng tiền đang là sức mạnh của thị trường và là yếu tố quyết định, tiền càng nhiều thì thị trường càng có triển vọng tăng cao hơn - bất kể là mốc kháng cự nào đi chăng nữa, điều này đang được duy trì và có phần gia tăng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Thực tế cũng cho thấy, sự bứt phá của các chỉ số trong thời gian qua là minh chứng rõ nét nhất cho sự xuất hiện của dòng tiền mới đổ vào thị trường.  

Mặc dù vậy, vẫn có nhiều quan ngại về việc kịch bản của thị trường liệu có lặp lại như 10 năm trước, là VN-Index tăng vọt lên trên 1.000 điểm và sau đó “lao dốc”. Về việc này, nhiều chuyên gia khẳng định, thị trường chứng khoán hiện không giống với bối cảnh năm 2007. Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, năm 2007 có một lượng tiền rất “khủng” từ đầu tư công và phát triển các tập đoàn nhà nước lớn. Tiền và tăng trưởng tín dụng có lúc lên hơn 50%, các tập đoàn kinh tế có những nguồn tiền rất lớn để mua cổ phiếu ở đối tác chiến lược nên tăng giá rất mạnh. Lúc đó, sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán dựa trên dòng tiền này.

Ngoài ra, cổ phiếu thời điểm đó tăng mạnh dựa vào những công ty vừa thành lập mới đã đưa lên sàn để huy động vốn. Trong đó, nhiều công ty chưa có nền tảng, kết quả kinh doanh chưa có gì vẫn có thể bán được 3 - 4 chấm, thậm chí 5 chấm, trên thị trường. Sau đó, Nhà nước xiết lại nguồn đầu tư tài chính của các tập đoàn nhà nước và điều tất nhiên là chứng khoán quay đầu. Còn hiện nay, dòng tiền đổ vào cổ phiếu phần lớn đều tập trung từ những tập đoàn có tiềm lực kinh tế lớn, các công ty có mã chứng khoán tăng mạnh cũng là những công ty đã sản xuất kinh doanh ổn định, được đánh giá cao. Nhà nước không có những đầu tư công ồ ạt, giao tiền cho tập đoàn nhà nước đầu tư tài chính nhiều như thời gian năm 2007.

Ngoài ra, các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán cũng đã trưởng thành, đủ kinh nghiệm để không còn tình trạng đầu tư theo phong trào và không còn chuyện bà nội trợ cũng lên sàn mua chứng khoán như trước đây. “Chỉ số VN-Index hiện nay tăng mạnh rồi cũng có thể giảm do điều chỉnh kỹ thuật, do nhà đầu tư chốt lời và nhiều nguyên nhân khác, nhưng không thể dẫn đến kịch bản tồi tệ như năm 2007”,  ông Hiển cho hay.
Tuy nhiên, trước sự tăng điểm mạnh của VN-Index trong các phiên vừa qua, nhiều chuyên gia chứng khoán cũng khuyên các nhà đầu tư nên cẩn trọng với những giao dịch của mình, tránh bị cuốn theo đà tăng của thị trường.
Theo báo cáo mới nhất từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đến hết tuần thứ 3 của tháng 11-2017, dòng vốn ngoại tiếp tục tích cực tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam. Cụ thể, từ ngày 13 đến 17-11, khối ngoại mua ròng thêm 20 triệu USD (mua ròng 33 triệu USD cổ phiếu, bán ròng 13 triệu USD trái phiếu). Lũy kế từ đầu năm đến nay, khối ngoại mua ròng hơn 1,77 tỷ USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam, gấp 6 lần so với cùng kỳ năm trước.

Cơ quan này dự báo, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài sẽ tiếp tục gia tăng trong giai đoạn cuối năm 2017 và đầu năm 2018, tập trung vào các đợt bán đấu giá cổ phần thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn và cổ phiếu ngân hàng niêm yết. 

Tin cùng chuyên mục