Cần trang bị vốn tiếng Anh và kiến thức kỹ thuật số cho sinh viên

Ngày 15-11, Đại học Đà Nẵng tổ chức hội thảo gắn kết trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ theo tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 3-11-2022 của Bộ Chính trị.

Khoảng 250 đại biểu tham dự hội thảo gắn kết trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Khoảng 250 đại biểu tham dự hội thảo gắn kết trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Chưa tương xứng tiềm năng

Hệ thống các trường đại học của vùng tuy có sự phát triển với 44 cơ sở giáo dục đại học nhưng phần nhiều có quy mô đào tạo nhỏ, lẻ. Nguồn lực đầu tư hạn chế, đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu còn thiếu và yếu cả về số lượng lẫn chất lượng, chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế.

Trong giai đoạn đất nước bắt đầu mở cửa hội nhập quốc tế, địa phương nào cũng muốn có trường đại học để nhanh chóng đào tạo nhân lực tại chỗ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đến nay, các trường đại học địa phương gặp không ít khó khăn trong tuyển sinh, năng lực, chất lượng và hiệu quả, dẫn đến lãng phí nguồn lực giáo dục.

z6035617633028_f4cbc9e76fa1dc7456674f841d86f8f6.jpg
GS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng thông tin tại hội thảo. Ảnh: XUÂN QUỲNH

GS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho rằng, việc gắn kết giữa nhà trường và các đối tác trong đào tạo nguồn nhân lực tại Đại học Đà Nẵng nói riêng và các trường đại học nói chung đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực, nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Nguyên nhân chủ quan là đào tạo chưa thực sự bám sát vào chiến lược phát triển kinh tế của địa phương và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương trong khu vực. Nguyên nhân khách quan là nền công nghiệp của các địa phương trong vùng còn nhỏ bé, nhu cầu đội ngũ nhân lực chất lượng cao chưa nhiều, nhu cầu đổi mới công nghệ chưa bức bách.

Thích ứng trong bối cảnh mới

PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD-ĐT, đề xuất công tác dự báo, xác định cụ thể chỉ tiêu từng giai đoạn phải lồng ghép nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội để lập kế hoạch thực hiện phát triển giáo dục đại học.

“Cơ cấu đào tạo, tỷ trọng sinh viên theo các ngành STEM của các trường đại học trong Vùng thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước. Trong khi đó nhiều ngành công nghiệp cần lực lượng lao động STEM như cơ khí, hóa dầu,... lại là các ngành kinh tế mũi nhọn của Vùng. Lý do chính là do công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội chưa được triển khai đúng mức, dẫn đến tình trạng mất cân đối giữa các ngành nghề đào tạo, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động”, bà Thủy nói.

Theo GS.TSKH. Bùi Văn Ga, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, các cơ sở giáo dục đại học phải xây dựng lại chương trình đào tạo phù hợp với bối cảnh mới. Đào tạo nhân lực phải hướng tới kiến thức rộng, kỹ năng thích nghi tốt. Bởi vì một nghề thịnh hành ở thời điểm hiện tại nhưng 5-7 năm nữa chưa chắc đã tồn tại. Trong điều kiện đó, các trường đại học phải trang bị cho sinh viên vững các kiến thức nền tảng và kỹ năng cơ bản kèm theo phương pháp tư duy. Hiện tại, các trường chưa mạnh dạn tăng cường kiến thức số cho sinh viên tất cả các ngành nghề.

“Trong thế kỷ này, công nghệ số sẽ là công cụ để người lao động nâng cao năng lực của mình. Vì vậy, các trường đại học cần trang bị vốn tiếng Anh và kiến thức kỹ thuật số cho sinh viên, không chỉ giới hạn trong những ngành công nghệ thông tin hay kỹ thuật”, GS.TSKH. Bùi Văn Ga nêu.

Ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, với đào tạo nhân lực chất lượng cao, không thể chờ thị trường cần mới bắt đầu đào tạo mà phải có sự đón đầu. Muốn đào tạo nhân lực chất lượng cao, cần phải xác định 3 từ khóa: cạnh tranh – gắn kết và nguồn lực.

“Đại học quốc gia là mục tiêu mà Đại học Đà Nẵng hướng tới nhưng đi cùng với quá trình này là sự cạnh tranh. Cạnh tranh cả về quỹ đầu tư, cạnh tranh công nghệ và cả thu hút, giữ chân sinh viên giỏi ở lại học tập, nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo của mình.

Đại học Đà Nẵng phải có sự gắn kết với chính quyền các địa phương, doanh nghiệp để đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu nhưng cũng đồng thời thực hiện chuyển giao công nghệ. Gắn kết với cả giáo dục phổ thông để có sự định hướng nghề nghiệp, chuẩn bị nguồn nhân lực cho khối STEM vốn rất quan trọng cho sự phát triển của vùng; gắn kết với cả các cơ sở giáo dục đại học trong vùng để cùng liên kết phát triển", ông Hoàng Minh Sơn lý giải.

Tin cùng chuyên mục