Có bị lãng quên?
NSƯT Hùng Minh nay đã 82 tuổi. Ông được biết đến là một trong những nghệ sĩ tài năng của sân khấu cải lương, chuyên trị các vai “kép độc”. Một số vai diễn để đời của ông có: Mã Tắc (trong vở Tiếng trống Mê Linh), Trần Ích Tắc (Dưới cờ Tây Sơn), Tướng giặc (Nàng Hai Bến Nghé), Nguyễn Nhạc (Tâm sự Ngọc Hân)…
Ông cũng từng là kép chính nổi tiếng của các đoàn: Hữu Tâm, Song Kiều - Thúy Nga, Thanh Hương. Khi sân khấu cải lương không còn thịnh như trước, ông vẫn duy trì hoạt động nghệ thuật qua các vai diễn trên màn ảnh, kịch nói. Nghệ sĩ Hoa Lan, vợ NSƯT Hùng Minh chia sẻ: “Nhiều lúc hai vợ chồng tâm sự với nhau, anh nói buồn vì không hoạt động ở một sân khấu nào chính quy nên thật khó tham gia các cuộc thi để có huy chương. Bên cạnh đó, có mấy đợt xét duyệt, chúng tôi cũng không nghe thông báo, nên không thể làm hồ sơ nộp cho kịp thời hạn”.
Còn với nghệ sĩ Bạch Long, khán giả mộ điệu không thể quên được nam nghệ sĩ sân khấu tuồng giỏi nghề này. Anh luôn nhiệt huyết với công tác đào tạo thế hệ nghệ sĩ trẻ kế tục. 12 tuổi, anh làm quen với ánh đèn sân khấu, sau đó thành công nổi bật với nhiều vai diễn. Đặc biệt, ở vai trò người thầy dẫn dắt đoàn Đồng Ấu Bạch Long, anh đã đào tạo một dàn nghệ sĩ trẻ tài năng cho sân khấu cải lương hôm nay như: NSƯT Tú Sương, NSƯT Quế Trân, Trinh Trinh, Lê Thanh Thảo, Bình Tinh... Nay dù tuổi đã ngoài 60, anh vẫn tiếp tục gắn bó với sàn diễn tại Sân khấu kịch IDECAF, duy trì công tác đào tạo trẻ... Thế nhưng, vẫn chưa có một danh hiệu nào ghi nhận công sức của anh dành cho sân khấu nói chung và tuồng cổ nói riêng.
Trong “Thế hệ vàng” của sân khấu cải lương TPHCM, đến nay ngoài một số nghệ sĩ được vinh danh, còn một số dừng ở danh hiệu NSƯT cũng khá lâu như: Thanh Điền, Thanh Kim Huệ, Nam Hùng, Thanh Nguyệt, Trường Sơn; nhiều nghệ sĩ khác chưa hề được vinh danh bằng các danh hiệu tương xứng, như: Hồng Nga, Tú Trinh, Kiều Mai Lý, Bo Bo Hoàng, Hoài Thanh... Đó là một thực tế đáng buồn và thật đáng suy ngẫm đối với những người làm công tác quản lý.
Riêng trường hợp của NSND Viễn Châu, ông được phong danh hiệu NSND trên cơ sở là danh cầm, nhưng với tư cách là một soạn giả thì ông lại chưa được đánh giá đúng tầm. Tính đến lúc mất, soạn giả - NSND Viễn Châu đã sáng tác hơn 4.000 bài ca, hơn 70 vở tuồng cải lương, trong đó có nhiều tác phẩm được bao thế hệ công chúng mến mộ như: Tình anh bán chiếu, Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà, Lá trầu xanh, Cô gái bán sầu riêng, Tình đẹp mùa chôm chôm...
Nhiều năm trước, con trai NSND Viễn Châu đã làm hồ sơ “xin” Giải thưởng Nhà nước cho ông nhưng không được. Trường hợp của NSND Năm Châu cũng vậy, con gái ông cũng đã làm hồ sơ nhưng không được duyệt. Lý do là các soạn giả phải có vở diễn dự hội diễn đoạt huy chương thì mới xem là thành tích, hoặc tác phẩm phải in thành sách, được trao giải mới được xem là công trình để xem xét trao Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Phải giải quyết rốt ráo
Việc phong tặng danh hiệu trước nay vốn tồn tại nhiều bất cập, tạo nên nhiều luồng dư luận trái chiều. Trước thực trạng này, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã và đang tiếp tục được xem xét để có những điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp thực tiễn, dựa trên việc lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, đơn vị chuyên môn.
"Đối với việc ghi nhận và vinh danh các nghệ sĩ sân khấu kỳ cựu của TPHCM, hội đồng xét tặng danh hiệu các cấp cần nắm bắt rõ quá trình hoạt động của các nghệ sĩ. Đối với hồ sơ của các nghệ sĩ chưa đủ về thành tích nghệ thuật nhưng có những đóng góp hiệu quả cho sự phát triển của nền văn hóa nghệ thuật thì hội đồng phân tích kỹ lưỡng nhằm ghi nhận đầy đủ sự cống hiến của các văn nghệ sĩ và tránh để xảy ra sơ sót trong quá trình xét tặng" Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM NGUYỄN THỊ THANH THÚY |
Đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, tâm tư: “Nghị định về phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT được đưa ra với nhiều sự cân nhắc về vấn đề tiêu chuẩn, tiêu chí, nhưng luôn gặp khó khăn trong thực hiện. Không có tiêu chuẩn thì không làm được, mà nếu chỉ căn cứ vào tiêu chuẩn thì cũng không ổn, có lúc không phù hợp với thực tiễn. Mặt khác, cũng đặt thêm câu hỏi, người nghệ sĩ sau khi được vinh danh thì tiếp tục có những đóng góp gì thêm cho sân khấu? Từ thực tế đó, với các anh chị ngày xưa có nhiều đóng góp trong xây dựng và phát triển sân khấu, đáng lý nên được xem xét phong tặng trực tiếp NSND luôn, chứ đừng đi từng bước. Bởi nếu xét tặng danh hiệu NSƯT rồi sau đó một khoảng thời gian mới xét tặng danh hiệu NSND, thì họ rất khó đạt được. Đơn giản là họ không còn nhiều thời gian phấn đấu thi cử để lên danh hiệu NSND”.
NSƯT Thanh Điền bày tỏ: “Tôi thấy việc tìm kiếm huy chương để đạt danh hiệu hiện nay dễ dãi quá. Có những nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSƯT, NSND, nhưng tôi và mọi người không biết đó là ai, có đóng góp gì cho sân khấu. Theo tôi, với những nghệ sĩ tài danh đến nay vẫn chưa được phong tặng danh hiệu, cần thiết phải có sự xét duyệt đặc cách để ghi nhận quá trình cống hiến”.
Để tháo gỡ vướng mắc, theo đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu, những trường hợp đặc biệt cần phải có hội đồng thẩm định lại. Đây cũng là một cách giải quyết đến nơi đến chốn đối với một số trường hợp nghệ sĩ “thế hệ vàng” chưa được vinh danh. Còn sau đó, với lớp nghệ sĩ trẻ, chúng ta cứ làm cho đúng chuẩn. Bộ VH-TT-DL và TPHCM nên có sự phối hợp để giải quyết rốt ráo, không để sự việc trở thành bất cập.
Đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu vừa đại diện Hội Sân khấu TPHCM gửi thư kiến nghị đến Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương, đề nghị đặc cách trao Giải thưởng Nhà nước cho soạn giả - NSND Viễn Châu. Sắp tới, hội cũng sẽ tiếp tục kiến nghị để có những tôn vinh xứng đáng đối với sự cống hiến của các “soạn giả của nhân dân” như Hà Triều - Hoa Phượng, Năm Châu, Hoàng Khâm, Kiên Giang, Nhị Kiều...
Rõ ràng, với những cống hiến của “thế hệ vàng” sân khấu cải lương (lâu nay chắc ai ai cũng thấy), thì nếu có được “linh động đặc cách” trong việc xét phong tặng các danh hiệu, giải thưởng cũng là điều dễ hiểu và dễ dàng chấp nhận. Đây cũng là sự ghi nhận, tôn vinh xứng đáng!