Theo Bộ VH-TT-DL, việc quy hoạch nhằm mục đích kiểm soát về số lượng và chất lượng các công trình tượng đài Quốc tổ Hùng Vương trong cả nước; xác định nhiệm vụ, mục tiêu và địa điểm xây dựng tượng đài.
Tại hội thảo, phần lớn ý kiến cho rằng, cần đưa ra tiêu chí cụ thể trong việc quy hoạch xây dựng tượng đài Quốc tổ Hùng Vương về nội dung, địa phương và địa điểm xây dựng, tiêu chí nghệ thuật và kỹ thuật.
Hình tượng vua Hùng cần thống nhất, phải tôn vinh được giá trị văn hóa, cội nguồn dân tộc, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; có chất lượng nghệ thuật và giá trị thẩm mỹ cao, đẹp về ngôn ngữ tạo hình và điêu khắc, kiến trúc cảnh quan đẹp, không gian phù hợp tượng đài.
Về tiêu chí địa phương và địa điểm xây dựng, cần ưu tiên vùng đất Tổ Hùng Vương (Phú Thọ); địa phương có vị trí địa lý đặc biệt, tiêu biểu, thể hiện ý chí đại đoàn kết dân tộc; có dấu ấn lịch sử trong quá trình dựng nước và giữ nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Các đại biểu cũng cho rằng, Bộ VH-TT-DL cần tổ chức cuộc thi quy mô quốc gia thiết kế tượng đài Quốc tổ Hùng Vương, hoặc đặt hàng các tác giả tên tuổi để chọn được biểu tượng chất lượng nhất; quy định nguồn kinh phí xây dựng từ ngân sách hoặc xã hội hóa; quy hoạch không gian xây dựng tượng đài, tượng ngoài trời Quốc tổ Hùng Vương song hành với quy hoạch đô thị; thành lập hội đồng lấy ý kiến của các chuyên gia về di sản, kiến trúc, các chính trị gia, nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa, nhà sử học…