Chủ đầu tư than lỗ
Ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch HĐQT Công ty QL91 Cần Thơ - An Giang cho biết, tổng vốn đầu tư Dự án QL 91 là 1.720 tỷ đồng, trong đó có 282 tỷ đồng vốn liên doanh của chủ đầu tư, còn lại và vốn vay ngân hàng. Mức thu phí hiện nay đạt khoảng 10 tỷ đồng/tháng, tuy nhiên chủ đầu tư phải trả lãi vay ngân hàng khoảng 10,5 tỷ đồng/tháng. Do đó, nhà đầu tư đang phải chịu lỗ trên 100 tỷ đồng.
Trước tình hình trên, chủ đầu tư cho biết đã kiến nghị Bộ GTVT, cùng các địa phương nghiên cứu hỗ trợ phần chi phí giải phóng mặt bằng dự án với tổng số tiền trên 400 tỷ đồng để phương án tài chính không bị phá vỡ.
Thời gian thu phí của Dự án nâng cấp cải tạo QL 91 ban đầu là 17 năm. Thế nhưng, từ năm 2018 do các tài xế phản ứng, chủ đầu tư đã áp dụng chính sách miễn, giảm cho người dân trong bán kính 8km quanh trạm thu phí T2. Do vậy, thời gian thu phí của dự án đã được tăng lên 34 năm.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô An Giang cho rằng, phương án miễn, giảm này đến nay đã không phù hợp nữa. Lý do là từ khi cầu Vàm Cống được thông xe, số lượng lớn các phương tiện từ An Giang đến ngã ba Lộ Tẻ, qua QL 80 (đi Kiên Giang) hoặc lên cầu Vàm Cống (đi Đồng Tháp, TPHCM) và ngược lại chỉ sử dụng khoảng 300m đường dự án thu phí QL 91, nhưng các phương tiện phải trả mức phí 50% khi qua trạm T2.
Chưa kể các phương tiện không được miễn, giảm của An Giang và các địa phương khác phải trả đến 100% phí khi qua trạm này mà chỉ đi 300m. Chính vì lý do này, những ngày qua tại trạm thu phí T2 liên tục gặp sự phản đối của các tài xế.
Tài xế tiếp tục phản ứng
Ngay sau cuộc họp, chiều cùng ngày, trạm T2 BOT Quốc lộ 91 tiếp tục bị tài xế phản ứng quyết liệt. Theo đó, nhiều tài xế của tỉnh An Giang đã dừng lại tại tất cả các làn thu phí của trạm T2 để yêu cầu giải thích các bất hợp lý của trạm. Một số tài xế không chấp nhận mua vé qua trạm hoặc chỉ đồng ý trả 2.000 đồng cho 300m đường đã đi.
Một tài xế bức xúc cho biết: “Xe tôi di chuyển từ An Giang đi TPHCM, trước đây do chưa có cầu Vàm Cống nên phải đi trên QL 91, việc đóng phí là hết sức bình thường. Thế nhưng, từ khi đã có cầu Vàm Cống, xe tôi chỉ đi khoảng 300m của QL 91 rồi qua QL 80 để lên cầu nhưng phải trả phí cho toàn tuyến khi qua trạm T2 là điều vô lý”.
Ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở GTVT tỉnh An Giang, cho rằng, việc thu phí ở trạm BOT T2 đã xuất hiện một số vấn đề từ lâu. Trước đây, các bất cập được xử lý bằng phương pháp miễn, giảm nhưng đến nay đã không còn phù hợp. Bởi gần đây, cầu Vàm Cống thông xe thì tình hình trở nên khác hẳn, không chỉ có xe An Giang mà nhiều xe từ các tỉnh thành đều đổ dồn về An Giang qua trạm T2.
Nhằm đảm bảo quyền lợi của các tài xế cũng như của chủ đầu tư, Sở GTVT An Giang đề xuất 2 phương án. Thứ nhất, những xe từ An Giang đi về Kiên Giang hoặc qua Cầu Vàm Cống, chỉ phải trả phí qua trạm 2.000 đồng (tương đương khoảng 300m đường thuộc dự án QL 91).
Các xe đi về Cần Thơ thì xuống tới trạm T1 (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) mua tiếp vé 33.000 đồng, như vậy chủ đầu tư vẫn thu đủ 35.000 đồng. Phương án 2, nếu nhà đầu tư sợ thất thu thì bán cho tài xế vé 35.000 đồng ở trạm T2 nhưng khi phương tiện vào QL 80 về Kiên Giang hoặc qua Vàm Cống thì phải trả lại 33.000 đồng.