Luật sư Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh, tuy vụ việc mới diễn ra và việc để tội phạm hoạt động trong thời gian dài với những vi phạm cực kỳ nghiêm trọng mà không bị phát hiện, rõ ràng có trách nhiệm của những người quản lý bệnh viện.
ĐB Trương Trọng Nghĩa nói: “Cơ quan điều tra sẽ phải phối hợp với Bộ Y tế hành động một cách kiên quyết và nhanh chóng để tìm cho ra, truy đến cùng những ai có liên quan và vì sao hành vi tội phạm lại nghiêm trọng, táo bạo trong một thời gian dài như thế. Tôi tin tưởng sự việc này sẽ được làm rõ”.
ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng, với hành vi này, trước hết các cá nhân phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng cơ quan chủ quản (Bệnh viện Tâm thần Trung ương I) không thể vô can. Đây cũng là dịp để rà soát lại toàn bộ quy định về giám sát, kiểm tra hoạt động của các cơ sở y tế.
“Cách đây vài năm, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã từng tiến hành giám sát hoạt động của các bệnh viện tâm thần và cũng đã nêu ra nhiều vấn đề, phát hiện một số trở ngại khó khăn trong công tác quản lý các cơ sở này, nhưng lúc đó chủ yếu tập trung vào chức năng, chuyên môn mà chưa có nội dung về quản lý bệnh nhân, quy trình giám sát…”, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho biết.
Cũng về vấn đề này, ĐBQH, Luật sư Nguyễn Chiến (TP Hà Nội) nói, ông “thật sự rất ngạc nhiên và đau lòng” khi tại bệnh viện - nơi các y, bác sĩ tập trung trí lực, vật lực để chữa bệnh, giúp cho người bệnh tâm thần trở lại trạng thái bình thường để hòa nhập cộng đồng lại trở thành ổ “bay lắc" ma túy có quy mô lớn, gây nguy hại cho xã hội và cộng đồng.
“Việc triệt phá ổ buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy này của cơ quan công an là kết quả đáng ghi nhận. Một đơn vị với mục đích hoạt động là chữa bệnh cho người tâm thần mà để xảy ra một ổ nhóm tội phạm rất nghiêm trọng như vậy không thể nói là không chịu trách nhiệm. Vậy phải xem xét trách nhiệm đến đâu, mức độ thế nào và thời gian để tồn tại bao lâu hoạt động tội phạm này, để từ đó xác định trách nhiệm của người liên quan”, ĐB Nguyễn Chiến nhấn mạnh.