Chiều 2-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Việc sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp có ý nghĩa quan trọng nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, đáp ứng được các yêu cầu đổi mới trong công tác tổ chức các kỳ họp Quốc hội ngày càng hiệu quả, chất lượng và phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đáng chú ý, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đánh giá cao Quốc hội đã có những thay đổi linh hoạt trong việc tổ chức kỳ họp bất thường để theo sát với diễn biến xã hội, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh. ĐB đề xuất kỳ họp thường lệ kéo dài tối đa 2 tuần, bên cạnh đó có thể tổ chức các kỳ họp bất thường ngắn.
Về tranh luận của ĐB trong các kỳ họp Quốc hội, ĐB Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh, đây là việc rất cần thiết, rất tiến bộ, những ý kiến có thể khác với ý kiến của mình, nhưng cũng mở ra các góc nhìn mới. Tuy nhiên, cần tránh tình trạng “chen luận”, đây là vấn đề về văn hóa nghị trường. ĐB đề nghị cần quy định số lần tranh luận tối đa của mỗi ĐB trong một phiên họp.
ĐB Dương Văn Phước (Quảng Nam) quan tâm đến việc lấy ý kiến ĐB bằng phiếu xin ý kiến. Theo ĐB, đây là nội dung quan trọng, thể hiện tính dân chủ khi xem xét, quyết định theo đa số. Thực tiễn những năm qua, nhiều nội dung cụ thể lấy ý kiến đã mang lại hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao trước khi thông qua toàn văn dự thảo, thể hiện tính công khai, dân chủ.
ĐB đề nghị Quốc hội tiếp tục phát huy phương thức này ở các nội dung còn có ý kiến khác nhau. Theo đó, khi một vấn đề cụ thể có nhiều ĐB phát biểu với nhiều quan điểm hoặc ý kiến thì cần tiến hành xin ý kiến Quốc hội để lấy ý kiến ĐB bằng phiếu. Nếu có ít nhất 20% tổng số ĐB đồng ý thì tiến hành lấy phiếu xin ý kiến về vấn đề đó.
ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) nêu quan điểm, nếu kỳ họp là trung tâm trong hoạt động của Quốc hội, thì thảo luận là trung tâm trong hoạt động của kỳ họp. ĐB cho rằng hoạt động thảo luận của Quốc hội hiện nay còn phần nhiều là tham luận, do đó cần đổi mới căn bản, nhất là đổi mới phương thức thảo luận của các ĐBQH.
ĐB đề nghị cần định nghĩa rõ hai hình thức thảo luận, là thảo luận ở tổ, ở đoàn, đây là bước để sàng lọc vấn đề để khi thảo luận tại hội trường, Quốc hội chỉ tập trung vào các vấn đề quan trọng, có ý kiến khác nhau.
“Khi làm được điều này, sẽ giúp tăng tính minh bạch, rạch ròi cho những vấn đề đã thống nhất khi thảo luận ở đoàn, ở tổ, khi thảo luận tại hội trường sẽ hướng đến phân tích những vấn đề lớn hơn, phức tạp hơn”, ĐB Lê Thanh Vân phát biểu.
ĐB cũng cho rằng, việc đổi mới phương thức thảo luận sẽ nâng cao năng lực tranh luận, tranh biện của ĐB, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
ĐB Lê Thanh Vân đề nghị cần thay đổi phương thức thảo luận tại tổ, chuyển đổi mạnh mẽ từ tham luận sang tương tác, biện luận trực tiếp, cụ thể, cần có thay đổi trong thủ tục tiến hành thảo luận tại tổ, thủ tục thảo luận tại các phiên họp toàn thể; quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tọa phiên họp, đảm bảo phiên họp diễn ra với hiệu quả cao, đạt được kết quả thực chất.
“Việc nâng cao hiệu quả phiên họp tổ, phiên họp tại đoàn sẽ mang đến 3 tác dụng, đó là thúc đẩy quá trình chuyển đổi Quốc hội từ tham luận sang tranh luận; nâng cao chất lượng quyết định của Quốc hội; rèn luyện kỹ năng tranh luận, hùng biện của ĐB”, ĐB Lê Thanh Vân phát biểu.
Theo đó, việc tăng cường chất lượng hoạt động của Quốc hội đồng nghĩa với việc lựa chọn những nhân sự xứng đáng giới thiệu ra Quốc hội, đây là vấn đề quan trọng, liên hệ mật thiết đến chất lượng nhân sự của Quốc hội, cần lưu ý để chuẩn bị tốt nhân sự cho Quốc hội các khóa sau.
Còn theo ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), các phiên thảo toàn thể tại hội trường, nhất là các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, với cách thảo luận như hiện nay sẽ có nhiều ĐB được thảo luận, đề cập được nhiều vấn đề cử tri quan tâm, nhưng lại quá dàn trải. Do đó, ĐB đề nghị nên có quy định đổi mới theo hướng sau khi thảo luận tại tổ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên chọn một số vấn đề lớn được ĐB tập trung thảo luận và còn nhiều quan điểm khác nhau để thảo luận ở hội trường, dành thời gian bàn thảo, tranh luận cho sáng tỏ, từ đó có thể đưa ra các quyết sách đúng tầm.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) và một số ĐB kiến nghị cần có chế tài nhắc nhở đối với trường hợp gửi văn bản chậm cho ĐB nghiên cứu như các cơ quan, đơn vị thuộc Chính phủ, Ủy ban thẩm tra của Quốc hội.
ĐB Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) đề nghị cần có quy định cụ thể về thời gian, chế tài cụ thể, mạnh mẽ hơn để tài liệu phải được gửi đến ĐB đúng thời hạn. Mặt khác, trừ các trường hợp đặc biệt, cấp bách, kiên quyết không tiến hành thẩm dự án, dự thảo khi chưa đủ các tài liệu trong hồ sơ hoặc hồ sơ gửi không đúng thời hạn; không bố trí vào chương trình phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kỳ họp Quốc hội với những dự án, dự thảo được đề nghị bổ sung sát phiên họp, kỳ họp.