Tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu Nhà Quốc hội có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên chất vấn. Cùng dự phiên chất vấn có Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.
Tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu TPHCM có các ĐB Quốc hội: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Dương Ngọc Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM; Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Bí thư Quận ủy quận 1; cùng 2 đồng chí Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TPHCM Hà Phước Thắng và Văn Thị Bạch Tuyết.
Còn nể nang trong xử lý án hành chính
Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TAND) Nguyễn Hòa Bình trực tiếp trả lời chất vấn. Đại biểu (ĐB) Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nhận định, tỷ lệ án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan còn cao. “Có phải một bộ phận thẩm phán còn nể nang, ngại va chạm bởi bên bị kiện chủ yếu là cơ quan hành chính?”, ĐB Mai Thị Phương Hoa chất vấn và nhận định gần đây các vụ án hành chính đang tăng, trong đó có nhiều vụ việc liên quan đến đất đai. Trong khi đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang đề xuất đưa các tranh chấp đất đai sang tòa án giải quyết. “Chánh án TAND tối cao đánh giá gì về tính khả thi và nguồn lực của tòa án trong thực hiện đề xuất này?”, ĐB Mai Thị Phương Hoa tiếp tục đặt câu hỏi.
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình thừa nhận, tình trạng nể nang trong xử lý án hành chính là “có thật, nhưng không nhiều”. Nguyên nhân là sự tham gia của chính quyền các cấp trong các phiên tòa hành chính rất hạn chế. “Luật Tố tụng hành chính quy định chủ tịch UBND khi bị kiện phải ra tòa, nếu ủy quyền chỉ được ủy quyền cho cấp phó, nhưng ở cấp tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh thường rất nhiều việc nên thời gian ra tòa hạn chế, làm ảnh hưởng đến quyền của người dân”, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình trần tình.
Về quy định tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là tất cả tranh chấp về đất đai giao tòa án xử, Chánh án Nguyễn Hòa Bình phân tích, theo luật hiện hành, người dân có thể lựa chọn khiếu nại lên UBND hoặc kiện ra tòa. Nếu đưa hết ra tòa án sẽ hạn chế quyền của người dân trong việc lựa chọn hình thức xử lý. “Đề nghị Quốc hội cân nhắc việc này”, người đứng đầu ngành tòa án đề xuất.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn. Ảnh: VIẾT CHUNG |
Trong khi đó, giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng là câu hỏi được nhiều ĐB đặt ra. Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, muốn thu hồi được tài sản thì các cơ quan chức năng phải chứng minh được tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng, song việc này không đơn giản. Để giải quyết, cần nâng cao chất lượng điều tra và kịp thời phong tỏa tài sản. “Trên thế giới có cơ chế thu hồi tài sản của nghi can tham nhũng mà không giải trình được nguồn gốc. Nếu chúng ta làm được điều này thì có thể tăng cao hơn nữa tỷ lệ thu hồi”, ông Nguyễn Hòa Bình nhận định.
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị làm rõ vì sao khi tòa xử nơi thì căn cứ giá trị tài sản tại thời điểm bị cáo thực hiện hành vi phạm tội, nơi thì căn cứ giá trị tài sản tại thời điểm khởi tố để xác định trách nhiệm hình sự của bị cáo. Trả lời ĐB, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định, khoa học pháp lý và luật pháp đều nêu rõ, hậu quả của các vụ án được xác định tại thời điểm xảy ra hành vi phạm tội. Tất cả tình tiết khách quan, động cơ, mục đích, hành vi và thủ đoạn cũng được tính ở cùng thời điểm; nếu tính hậu quả ở thời điểm khác thì không đảm bảo tính khoa học, thống nhất. Tuy nhiên, khi thu hồi tài sản tại thời điểm thi hành án sẽ tính toán thu hồi triệt để, tránh thất thoát tài sản của Nhà nước.
Chưa hài lòng với phần giải thích này, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy dẫn chứng 2 bản án. Thứ nhất là bản án hình sự phúc thẩm ngày 15-5-2020 liên quan đến khu đất 812 Lê Duẩn, quận 1, TPHCM tính theo giá đất tại thời điểm khởi tố. Tuy nhiên, bản án hình sự phúc thẩm ngày 29-11-2021 lại xác định thiệt hại tại thời điểm các bị cáo phạm tội. Ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, ông chưa có trong tay 2 bản án này nên sẽ tiếp tục nghiên cứu, trả lời cụ thể cho ĐB.
Nên giảm chế tài phạt tù và tăng phạt tiền
Chiều 20-3, phiên chất vấn tiếp tục đối với Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí.
Trả lời chất vấn của ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) và một số ĐB khác về quan điểm và các giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ, không bỏ lọt tội phạm, xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng, bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Đảng về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, ông Lê Minh Trí cho rằng, đây là vấn đề lớn, vĩ mô, liên quan đến nhiều cấp, ngành. Dưới góc độ của ngành kiểm sát, ông Lê Minh Trí nhìn nhận, thực tiễn có những trường hợp vi phạm do thực hiện theo mệnh lệnh cấp trên, hoặc cấp trên gợi ý, cấp dưới phải chấp hành; hoặc do cấp dưới tham mưu không chính xác, không đầy đủ; hoặc quá trình thực hiện có yếu tố rủi ro, bất khả kháng. Trong khi đó, pháp luật hiện hành chưa có quy định với định lượng rõ ràng về trường hợp áp dụng miễn, giảm nên rất khó áp dụng. Về tổng thể, theo ông Lê Minh Trí, nên giảm chế tài phạt tù và tăng phạt tiền để đảm bảo vừa xử lý nghiêm chủ mưu, cầm đầu chiếm đoạt vụ lợi, vừa nhân văn với người có rủi ro.
Liên quan đến một vụ án cụ thể xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, trong đó cơ quan tố tụng đã bán toàn bộ vật chứng (gỗ trắc), ĐB Hồ Thị Minh (Quảng Trị) bày tỏ bức xúc vì năm 2019, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã khởi tố vụ án nhưng hơn 4 năm trôi qua vẫn chưa khởi tố bị can. Ông Lê Minh Trí trả lời: “Vụ gỗ trắc, tôi nhớ đã trả lời tới lần thứ 9. Tôi biết đây là vụ án phức tạp. Nhưng, đến giờ này, tôi vẫn khẳng định chưa có căn cứ kháng nghị”.
Không đồng tình với phần trả lời trên, ĐB Hồ Thị Minh tái chất vấn: “Khi người dân sai thì chúng ta khởi tố, bây giờ những cán bộ liên quan đến vụ này chúng ta đã khởi tố vụ án năm 2019 nhưng đã hơn 4 năm rồi, các bị can liên quan vẫn chưa bị khởi tố?”.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn. Ảnh: VIẾT CHUNG |
Tiếp tục khẳng định việc cơ quan chức năng cho bán lô vật chứng là “có hành vi vi phạm pháp luật”, nhưng Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, theo nguyên tắc xử lý hình sự, muốn khởi tố vụ án, đặc biệt là khởi tố bị can, thì hành vi vi phạm pháp luật phải rõ hậu quả nhưng các hội đồng định giá của Đà Nẵng, Quảng Trị đều không định giá được. Bộ Tài chính thì nói không thuộc thẩm quyền cấp bộ. “Nếu không có kết quả giám định thì viện kiểm sát không thể ra quyết định khởi tố bị can. Khó là khó cho chúng tôi như vậy, chứ không phải chỗ khác thì khởi tố, chỗ này lại không”, ông Lê Minh Trí cho biết.
ĐB Lê Hoàng Anh (Gia Lai) tiếp tục chất vấn: “Phải chăng khi các yêu cầu của cơ quan kiểm sát không được các cơ quan khác đáp ứng thì viện kiểm sát không thể thực hiện được công việc?”. Ông Lê Minh Trí khẳng định lại quan điểm: những vụ án phức tạp bắt buộc phải chờ cơ quan chuyên môn giám định và viện kiểm sát là cơ quan yêu cầu, chứ không thể làm thay.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM Dương Ngọc Hải, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại điểm cầu TPHCM |
Sẽ ban hành nghị quyết về chất vấn
Phát biểu tổng kết phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, các vấn đề được lựa chọn chất vấn là đúng và trúng; vừa có tính thời sự, vừa là những vấn đề quan trọng gắn chặt với yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
UBTVQH và các vị đại biểu Quốc hội đánh giá cao phần trả lời chất vấn; tán thành và ghi nhận các giải pháp cam kết của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các bộ trưởng phụ trách lĩnh vực có liên quan. Căn cứ kết quả phiên chất vấn đối với từng lĩnh vực, UBTVQH sẽ ban hành nghị quyết về chất vấn để Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chính phủ, các bộ trưởng, các ngành quan tâm triển khai thực hiện trong thời gian tới.