Tại cuộc họp về tình hình sạt lở bờ sông; Kế hoạch triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn TP Cần Thơ năm 2018 diễn ra chiều nay 31-5, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống chỉ đạo: “Về lâu dài không thể để nhà sàn trên sông, ảnh hưởng đến mỹ quan, vệ sinh môi trường và hành lang giao thông. Từ đây trở đi các cơ quan chức năng của địa phương phải chấm dứt cấp phép cho xây dựng nhà cửa trên sông, cần phải bít cất nhà sàn trên sông. Nếu để xảy ra tình trạng này Chủ tịch UBND xã, phường chịu trách nhiệm; Chủ tịch quận, huyện quản lý chặt việc này. Cơ quan chức năng của thành phố phải sớm có đề án, lộ trình để giải quyết dứt điểm việc cất nhà sàn ven mé sông. Sau này, có sạt lở cũng không ảnh hưởng đến tình mạng tài sản của người dân”.
Trong những ngày qua, Cần Thơ là điểm nóng về sạt lở bờ sông. Tính từ đầu năm đến ngày 30-5, Cần Thơ đã xảy ra 9 điểm sạt lở, làm sập hoàn toàn 10 căn nhà, 37 căn nhà bị ảnh hưởng. Ước tổng thiệt hại trên 31 tỷ đồng.
Trong đó, quận Ô Môn vừa di dời khẩn cấp 36 hộ dân khỏi vụ sạt lở mới đây.
“Diễn biến thiên tai, thời tiết ngày càng cực đoan, khó lường. Đáng lo là người dân vẫn còn tập quán sống ven sông, nên nguy cơ thiệt hại khi sạt lở là rất lớn”, ông Nguyễn Văn Hè, Giám đốc Sở NN-PTNT Cần Thơ cho biết.
Hiện người dân tại khu vực sạt lở ở Ô Môn vừa qua rất nóng ruột chờ đợi khuyến cáo cụ thể của địa phương vì sạt lở, sụp lún có thể tiếp tục xảy ra.
Tại huyện Phong Điền ước tính có khoảng 20.000m đường giao thông nông thôn nằm trong diện sạt lở, một số đoạn có nguy cơ sạt lở cắt đứt giao thông.