Cần thiết xây dựng, ban hành Luật Dữ liệu

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, ngân sách nhà nước hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia. Quy định về sử dụng quỹ hỗ trợ phát triển dữ liệu quốc gia như trong dự thảo Luật Dữ liệu là không trái với Luật Ngân sách nhà nước, đồng thời cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình bày tờ trình về dự án Luật Dữ liệu
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình bày tờ trình về dự án Luật Dữ liệu

Chiều 14-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghe tờ trình, báo cáo và cho ý kiến về dự án Luật Dữ liệu.

Trình bày tóm tắt tờ trình, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, qua rà soát, hiện có 69 luật có quy định về cơ sở dữ liệu. Song, trong các luật đã rà soát, chỉ có một số luật có quy định về trách nhiệm của cơ quan chủ quản cơ sở dữ liệu trong việc xây dựng, thu thập, quản lý, vận hành, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu.

“Tất cả các luật đều không quy định cụ thể, thống nhất về việc xử lý, quản trị dữ liệu (như việc thu thập, số hóa, bảo đảm chất lượng, lưu trữ dữ liệu...); chưa quy định về nền tảng phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong xử lý dữ liệu... Trong khi đó, việc thiết lập thị trường dữ liệu, xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu hiện nay lại có vai trò rất quan trọng, nó được xem là yếu tố đột phá để từng bước tạo lập và thúc đẩy mở thị trường dữ liệu, lấy thị trường dữ liệu làm động lực phát triển dữ liệu và kích thích, thúc đẩy chuyển đổi số các ngành, các lĩnh vực, tăng năng lực cạnh tranh, bảo đảm cho tiến trình chuyển đổi số ở nước ta”, Bộ trưởng Lương Tam Quang nêu rõ về sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật Dữ liệu.

TỚI.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới báo cáo thẩm tra

Qua thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh (UBQPAN) Lê Tấn Tới cho biết, ủy ban nhận thấy dự thảo luật đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8.

Về một số nội dung cụ thể, đại diện cơ quan thẩm tra lưu ý nội dung “chuyển dữ liệu ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài”.

Ông Lê Tấn Tới phát biểu: “Quy định chuyển dữ liệu ra nước ngoài cần được cân nhắc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân liên quan đến dữ liệu cá nhân của công dân Việt Nam; cần xác định rõ các loại dữ liệu quan trọng bị cấm hoặc hạn chế chuyển ra nước ngoài, quy định về lưu trữ bản sao dữ liệu quan trọng tại Việt Nam và truy xuất, kiểm soát dữ liệu khi đã chuyển giao”.

Trách nhiệm bồi thường khi xảy ra sự cố dữ liệu, quy định về thẩm quyền của các cơ quan trong việc quyết định việc chuyển giao dữ liệu, tuân thủ quy định về đánh giá dữ liệu để tránh chồng chéo trong quản lý cũng là những vấn đề được cơ quan thẩm tra đề nghị hoàn thiện thêm.

QC.jpg
Quang cảnh phiên họp

Về phí khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và cơ sở dữ liệu khác do cơ quan nhà nước quản lý, UBQPAN cơ bản nhất trí với quy định tại Điều 39 của dự thảo luật, nhằm tạo nguồn tài chính để đầu tư, phục vụ hoạt động xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và cơ sở dữ liệu khác do cơ quan nhà nước quản lý.

Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết, có ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu quy định cho phép các tổ chức, cá nhân khác được phép khai thác miễn phí trên cơ sở đóng góp, cung cấp dữ liệu cho các cơ sở dữ liệu này, nhằm khuyến khích các chủ thể cung cấp, chia sẻ dữ liệu để tạo nguồn dữ liệu phong phú, đầy đủ. Cũng liên quan đến phí, lệ phí, có ý kiến đề nghị rà soát các quy định của Luật Phí và lệ phí, vì trong danh mục phí và lệ phí ban hành kèm theo đã có một số loại phí khai thác, sử dụng dữ liệu trong các lĩnh vực chuyên ngành. Theo đó, nếu bổ sung hai loại phí như quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 66 dự thảo luật thì sẽ trùng với một số loại phí hiện hành. Do đó, đề nghị rà soát, bãi bỏ một số khoản phí khai thác, sử dụng dữ liệu trong lĩnh vực chuyên ngành theo quy định của Luật Phí và lệ phí hiện hành để tránh chồng chéo.

UBQPAN cơ bản nhất trí với quy định về trung tâm dữ liệu quốc gia; cho rằng khi trung tâm này được triển khai hoạt động sẽ là tiền đề để thúc đẩy quá trình phát triển và đẩy mạnh khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; góp phần thực hiện mục tiêu nâng tầm chiến lược phát triển kinh tế số của Việt Nam theo kịp các quốc gia trên thế giới, bảo đảm điều kiện cho Việt Nam phát triển và hội nhập với nền kinh tế số của thế giới.

Góp ý về dự luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhận định, với tốc độ phát triển công nghệ số nhanh chóng như hiện nay, để luật có đời sống lâu bền, dự lường được những vấn đề còn phát triển thì không nên quy định quá chi tiết mà chỉ nêu nguyên tắc, để Chính phủ quy định, hướng dẫn cụ thể.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị cân nhắc nội dung điều 4 về ưu tiên áp dụng luật. “Nếu cũng quy định ưu tiên áp dụng như Luật Thủ đô thì không phù hợp”, ông Hoàng Thanh Tùng nêu rõ.

Về việc nguồn lực để thành lập trung tâm dữ liệu quốc gia, ông Tùng đề nghị quy định rõ đây là nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước, không nên quy định đây là nhiệm vụ của quỹ hỗ trợ phát triển dữ liệu quốc gia.

Giải trình thêm sau đó, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang khẳng định, ngân sách nhà nước hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu và việc sử dụng quỹ hỗ trợ phát triển dữ liệu quốc gia là không trái với Luật Ngân sách nhà nước, đồng thời cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tin cùng chuyên mục