Hội nghị do các đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì với sự tham dự của lãnh đạo các bộ ngành Trung ương.
2021-2030: TPHCM cần gần 1.000.000 tỷ đồng để đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông
Trình bày đề án tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM, ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho biết, đề án nêu rõ những thách thức mà TP đã vấp phải. Cứ 5 năm dân số TP tăng khoảng 1 triệu người, hiện nay dân số khoảng 9 triệu người (trong đó đã có 17/19 quận có mật độ dân số ở mức mất an toàn), kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm không khí ngày càng tăng, nhà ở thiếu, diện tích nhà bình quân đầu người thấp hơn diện tích cả nước, bệnh viện, trường học quá tải. TPHCM là nền kinh tế lớn nhất cả nước (chiếm gần ¼ GDP cả nước) song việc thu hút đầu tư nước ngoài chưa vượt trội và tỷ trọng xuất khẩu so với cả nước ngày càng giảm. Tỷ lệ vốn FDI của TP thu hút được so với cả nước năm 2011-2013 có sự tụt dốc đáng kể, sau đó có sự tăng trưởng lại nhưng cũng không đều. Đóng góp của TP cho xuất khẩu cả nước ngày càng giảm.
Trong khi đó, tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương trên địa bàn TP giảm liên tục từ 33% giai đoạn 2000 – 2003 xuống còn 18% giai đoạn 2017 – 2021. Khi tỷ lệ điều tiết cho ngân sách TP giảm (29% năm 2005 còn 18% giai đoạn 2017 – 2019) thì mức ngân sách đóng góp của 1 lao động thành phố so với mức đóng góp bình quân một lao động cả nước giảm (3,8 lần năm 2005 và 3,2 lần năm 2019). Năm 2019, ngân sách thành phố đầu tư 1 đồng thì thu hút được 9 đồng vốn đầu tư khác của xã hội. Trong khi đó, bình quân cả nước đầu tư 1 đồng ngân sách thì chỉ thu hút được 5 đồng vốn đầu tư khác của xã hội.
Bên cạnh đó, việc dân số tăng nhanh, bình quân 5 năm tăng thêm 1 triệu người tạo áp lực lớn trong phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, trong quản lý đô thị của thành phố... thì tỷ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố liên tục giảm qua từng giai đoạn, giai đoạn 2017 - 2020 giảm còn 18% làm cho thành phố thiếu nguồn lực tài chính để phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong thời gian dài. Cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội chưa có điều kiện phát huy do còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện (nguồn vốn từ cổ phần hóa, bán nhà, đất của Trung ương trên địa bàn, nguồn thu thuế...). Do đó, hiện nay thành phố chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh. Mặc dù TPHCM là nền kinh tế lớn nhất cả nước (chiếm gần ¼ GDP cả nước) song việc thu hút đầu tư nước ngoài chưa vượt trội và tỷ trọng xuất khẩu so với cả nước ngày càng giảm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng giảm qua từng giai đoạn. Tỷ trọng đóng góp nguồn thu cho ngân sách cả nước ngày càng giảm (từ 28,9% năm 2009 giảm còn 26,1% năm 2019). Từ đó, TP đang phải đối mặt với nguy cơ trong việc giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nếu thành phố suy giảm về kinh tế, cả nước sẽ bị ảnh hưởng và giảm số thu ngân sách nhà nước.
Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị đã được Bộ Chính trị giao cho thành phố tại Nghị quyết số 16-NQ/TW, TPHCM phải tăng trưởng và phát triển kinh tế xứng đáng với tiềm năng, lợi thế của mình, trở lại vị thế là cực tăng trưởng kinh tế, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do vậy, việc Thành phố đề xuất xin tăng tỷ lệ điều tiết giữ lại lên 23% giai đoạn 2022-2025; 26% giai đoạn 2026-2030 (bằng với tỷ lệ điều tiết thời kỳ ổn định ngân sách hai giai đoạn trước liền kề 2011-2016; 2007-2010) là cần thiết và cấp bách.
Đề án cũng nêu, trong giai đoạn năm 2021-2030, TPHCM cần nguồn kinh phí cực kỳ lớn, gần 1.000.000 tỷ đồng để đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông. Đặc biệt ưu tiên tập trung đối các công trình giao thông trọng điểm, liên kết vùng, các công trình giải quyết ùn tắc giao thông khu vực sân bay, cảng, cửa ngõ TP với nhu cầu vốn đầu tư khoảng 606.000 tỷ đồng.
Phải đột phá cho các đầu tàu
Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng, TPHCM là đô thị kinh tế lớn nhất nước, năng suất lao động cao, thu ngân sách đầu người cao, đóng góp lớn cho ngân sách TƯ, thu hút đầu tư nước ngoài tốt... Đó là những kết quả mà TPHCM đã đạt được những năm qua. “Nhưng nếu chỉ có thế thì sẽ không có việc xây dựng các đề án để trình Bộ Chính trị. Mà TPHCM hiện có những ách tắc cần tháo gỡ, để tăng trưởng nhanh hơn. Đơn cử là tăng trưởng của TPHCM tăng chậm so với cả nước, xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài với mức độ chưa như kỳ vọng. Nộp ngân sách TƯ dù tăng nhưng mức tăng lại giảm. Do đó, cần có những cơ chế, chính sách để khắc phục”, Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh.
Để khắc phục các điểm nghẽn này thì TPHCM dựa vào 3 đột phá của Đảng: thể chế, nhân lực, hạ tầng. Về hạ tầng, TPHCM đã dồn lực nhưng sức TPHCM thì không đủ. Về phát huy tốt nguồn nhân lực thì TPHCM đã làm khá tốt, có giải thưởng sáng tạo TPHCM; TP hiện là trung tâm khởi nghiệp lớn nhất của cả nước. Cả 3 đột phá này đều được TPHCM chú trọng trong thời gian qua...
Đề án “Tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM giai đoạn 2022-2025 và giai đoạn 2026-2030” để tăng thu ngân sách nộp về TƯ và tăng thu ngân sách để lại cho TP, tạo tiền đề để TP phát triển nhanh, bền vững được thực hiện theo chủ trương tại Nghị quyết số 16-NQ/TW năm 2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020. Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị ra đời nhưng 5 năm sau, tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM không những không tăng mà còn giảm. “Tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM không phải sẽ giảm đóng góp ngân sách TƯ, mà là để tăng lên. Bởi năng suất lao động của TPHCM rất cao, gấp 2,7-2,9 lần cả nước. Hệ số đòn bẩy chi ngân sách của TPHCM cũng rất cao, một đồng chi ngân sách của TPHCM có thể tạo ra 9 lần, thậm chí 10-14 lần đầu tư xã hội. Do đó, nếu tăng 1 đồng chi ngân sách cho TPHCM thì ngân sách TƯ sẽ thu được nhiều hơn”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu. Đầu tư cho khu vực có động lực sẽ tạo ra hiệu quả cao.
Góp ý vào đề án, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Trần Quốc Phương tán thành quan điểm phải tăng nguồn lực cho TPHCM để phát triển, “cần phát triển nhanh các động lực, đầu tàu để có tác động lan tỏa, quay lại hỗ trợ TƯ lo ngân sách cho các tỉnh nghèo”. Tăng nguồn lực có thể bằng tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách TƯ hoặc cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. “Nếu cứ phát triển, đầu tư dàn đều thì sẽ chỉ bình bình, không có đột phá. Bộ KH-ĐT quan điểm phải đột phá cho các đầu tàu, từ đó quay lại “kéo” những vùng còn lại. Tất nhiên vẫn phải lo an sinh cho những vùng khác, nhưng tốt nhất vẫn là phải đầu tư có trọng điểm thì mới có đột phá”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu. TPHCM là đầu tàu của cả nước, cùng cả nước, vì cả nước, do đó càng cần phải có sự đột phá. Cũng theo ông, đầu tư hạ tầng giao thông, những tuyến đường cao tốc kết nối với các tỉnh trong khu vực, ĐBSCL là trách nhiệm của TƯ.
Theo phân tích của Thứ trưởng Trần Quốc Phương, nếu cứ tuần tự thì tới đây tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP còn bị giảm xuống 17%, điều đó sẽ không đáp ứng yêu cầu phát triển của TPHCM. Tuy nhiên, cũng phải nhìn thực tế hiện nay là thu ngân sách TƯ thấp hơn ngân sách địa phương vì mất nhiều nguồn thu do phải thực hiện các cam kết quốc tế, thu từ dầu thô giảm… Trong khi đó, thu ngân sách địa phương lại rất lớn, thu từ đất được để lại hết cho địa phương, gây mất cân đối giữa ngân sách TƯ và địa phương. “Giai đoạn 2022 – 2025, nếu tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách TƯ cho TPHCM lên 23% (tăng 5%) như đề án thì với 1% tỷ lệ ngân sách TƯ điều tiết cho TPHCM tương đương 2.000 tỷ đồng, mỗi năm, ngân sách TP được bổ sung 10.000 tỷ đồng. 3 năm là khoảng 40.000 tỷ đồng, một con số lớn, tốt cho TP nhưng khó cho TƯ. Vì thế TƯ sẽ phải cân đối để bảo đảm sự hài hòa giữa ngân sách TƯ và TP, bảo đảm cho TP động lực phát triển nhưng cũng không làm ảnh hưởng sâu tới ngân sách TƯ”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu.
Bí thư Thành ủy TPHCM giải thích lại: nếu để lại 40.000 tỷ đó trong 3 năm thì số ngân sách TƯ nhận lại cho cả nhiệm kỳ lớn hơn nhiều.
Tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM là cần thiết
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, mặc dù 1% ngân sách của TPHCM đóng góp về TƯ giảm đi thì khó khăn cho cả nước là rất lớn, nhưng ông nhất trí cao với sự cần thiết của đề án. “Tỷ lệ chi cho bình quân đầu người của TPHCM thấp hơn so với các tỉnh thành khác, cần làm rõ tính tuyết phục của những con số này để tăng tính thuyết phục của đề án. Mặt khác, cần đánh giá sâu về việc thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội năm 2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Đã có hơn 2 năm thực hiện, TP nên đánh giá kỹ Nghị quyết và nêu giải pháp chặt chẽ hơn trong đề án. Qua đó, đề xuất vấn đề gì cần điều chỉnh, bổ sung, những điểm được và chưa được khi thực hiện Nghị quyết 54 đề án. Nếu làm rõ điều này, gắn với đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách thì tính thuyết phục của đề án sẽ cao hơn”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp góp ý.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp, đề án chưa làm rõ việc khai thác quỹ đất của TPHCM, vì nếu khai thác tốt quỹ đất thì nguồn lực của TP sẽ rất lớn. Cùng với đó, TP cần thúc đẩy thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài để tăng nguồn lực cho TPHCM. “Đề án này sẽ được xem xét trong tương quan tổng thể ngân sách TƯ giai đoạn tới, mà yêu cầu chung là giảm tỷ lệ điều tiết ngân sách TƯ. Đề nghị TPHCM tính toán thêm phương án nếu tăng thì tăng thêm bao nhiêu là vừa, tăng theo tiến độ, có lộ trình để không gây sốc cho ngân sách TƯ. Điều đó cũng tạo thuận lợi cho Chính phủ trong bảo đảm điều hành ngân sách. Đồng ý là tăng hơn mức 18% hiện nay, nhưng tăng mức nào cần tính toán”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhấn manh.
Bà Lã Hồng Hạnh, Vụ phó Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) cho rằng, đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông trong giai đoạn vừa qua không tương xứng, không đáp ứng cho sự phát triển của TP, làm chậm sự phát triển của TP. Nhiệm kỳ qua, Chính phủ chỉ đầu tư cho đường cao tốc Bến Lức - Long Thành thì đang chậm tiến độ; cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đi vào khai thác từ 2015 và hiện đã quá tải. “Giao thông là điểm ách tắc lớn của TPHCM và vùng kinh tế phía Nam. Bộ GT-VT đang có đề án mở rộng gấp đôi cao tốc TPHCM - Long Thành lên 8 làn đường, vay vốn Nhật Bản, đã giải phóng mặt bằng.
Theo bà Lã Hồng Hạnh, có một thực tế là các dự án mà Bộ GT-VT làm ở TPHCM thì tiến độ rất chậm, vì thế trong giai đoạn tới rất cần TPHCM tự chủ được nguồn lực để làm hạ tầng giao thông thì mới nhanh”, bà Lã Hồng Hạnh nói. Theo bà, trong 5 năm tới, Bộ GT-VT được phân bổ vốn thì chủ yếu dành để trả nợ đọng xây dựng cơ bản, làm tiếp các dự án đang làm dở. 5 năm tới thậm chí bộ GT-VT không có dự án giao thông nào mới. Do đó, Bộ GT-VT ủng hộ tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM để TP có thêm nguồn lực tái đầu tư cho hạ tầng. Nhất là tới đây, khi sân bay Tân Sơn Nhất được mở rộng, tăng công suất gấp đôi sẽ gây áp lực lên giao thông đường bộ, nên rất cần đầu tư. “TPHCM cần phân tích rõ: để lại ngân sách để nộp về TƯ tăng thêm. Giai đoạn vừa qua giảm tỷ lệ điều tiết ngân sách thì tăng trưởng chậm lại. Làm rõ điều này để tăng thuyết phục với Chính phủ, Bộ Chính trị, bởi TƯ đang lo nếu TPHCM giảm tỷ lệ nộp ngân sách thì ngân sách TƯ rất khó khăn”, Vụ phó Vụ KH-ĐT, Bộ GT-VT góp ý.
Đại diện Văn phòng Chính phủ cũng gợi ý: nếu tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM thì phải sửa Luật ngân sách, mà sửa luật thì không thể làm ngay được, vì vậy thuận lợi nhất để triển khai là có Nghị quyết của Quốc hội trên cơ sở sơ kết Nghị quyết 54 của Quốc hội, nêu rõ những chính sách, cơ chế cần bổ sung, điều chỉnh để TPHCM có nguồn lực phát triển.
Nhìn chung, các ý kiến đóng góp đều chung quan điểm: tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM là cần thiết, vấn đề là tăng bao nhiêu để bảo đảm hài hòa giữa TƯ và địa phương.
Để TPHCM xứng đáng giữ vai trò chủ lực vùng kinh tế phía Nam
Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, với trách nhiệm một đầu tàu, TPHCM luôn ý thức phải nỗ lực hơn, đóng góp nhiều hơn cho quốc gia. Nhưng muốn thế phải có nguồn lực, mà tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách là một trong giải pháp, cùng với cơ chế chính sách đặc thù. “Tỷ lệ điều tiết bao nhiêu TP đã tính toán để thực hiện mục tiêu kép: vừa phải tăng đóng góp cho TƯ, vừa phải tạo điều kiện cho TP ngày càng tăng trưởng, xứng đáng giữ vai trò chủ lực vùng kinh tế phía Nam”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nêu.
Cũng theo Chủ tịch UBND TPHCM, thời gian tới, để giữ vai trò đầu tàu, TP chú trọng liên kết với các tỉnh lân cận, cả về giao thông, hợp tác kinh tế. Để kết nối giao thông tốt như Hà Nội kết nối với các tỉnh trọng điểm phía bắc, TPHCM cần có thêm nguồn lực để thực hiện, trong đó có nguồn từ điều tiết ngân sách của TƯ. Chỉ khi hạ tầng giao thông được kết nối, TPHCM tăng trưởng cao sẽ tạo tính tương tác, tạo sự tăng trưởng chung cho cả vùng kinh tế phía Nam, tăng thu ngân sách cho TƯ. “TPHCM đã có tính tới bối cảnh khó khăn do Covid-19. TP đã tính toán, nghiên cứu kỹ để đề xuất một tỷ lệ điều tiết ngân sách hợp lý. Nếu được tăng thì nộp về ngân sách sẽ tăng”, đồng chí Nguyễn Thành Phong khẳng định.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM, qua các ý kiến đều góp ý TPHCM cần tìm thêm các nguồn lực khác để phát triển. TP sẽ sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội. “Nhưng thực hiện Nghị quyết này không chỉ là việc của TPHCM mà phải cả các bộ ngành. Ví dụ nguồn lực từ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, TPHCM triển khai đúng tiến độ, nếu làm TP sẽ được 27.000 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng. Phương án cổ phần hóa của TPHCM đã được Chính phủ phê duyệt nhưng chưa có hướng dẫn của bộ ngành, nên TP không thể làm được, nếu làm sẽ gặp khó khăn, thậm chí sẽ vi phạm quy định. Hay TPHCM có gần 2.000 địa chỉ nhà đất của cơ quan TƯ đóng trên địa bàn, nếu làm được thì thêm nguồn lực rất lớn, nhưng dự án này 3 năm rồi chưa triển khai được do chưa có sự thống nhất giữa TPHCM và Bộ Tài chính. Rồi vấn đề kết nối giao thông với vùng phía Nam rất khó khăn, cũng cản trở sự phát triển”, đồng chí Nguyễn Thành Phong phản hồi.
Bí thư Thành ủy TPHCM cũng chốt lại, TPHCM sẽ sớm sơ kết Nghị quyết 54, bổ sung nội dung vào đề án.