Cần thêm những cú hích tích cực

Thông tin Bộ Xây dựng sẽ bãi bỏ 41,3% và đơn giản hóa 43,7% trong tổng số điều kiện kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực mà bộ này quản lý đã và đang tạo thêm cú hích tích cực, lan rộng đến các bộ ngành còn lại. 
Theo như Bộ Xây dựng cam kết, bộ này chỉ còn khoảng 15% số điều kiện kinh doanh hiện hành được giữ lại. Trong danh sách sẽ bãi bỏ, có những điều kiện kinh doanh lâu nay bị không ít doanh nghiệp than phiền liên quan đến ngành kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư; kinh doanh dịch vụ lập quy hoạch đô thị do tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện; kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản...
Cũng cần nhắc lại trước đó, Bộ Công thương tiên phong với kế hoạch cắt giảm, sửa đổi 675 điều kiện kinh doanh; sau đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện kinh doanh; Bộ Y tế đề xuất cắt giảm 36 điều kiện sản xuất, kinh doanh, chiếm gần 14% trên tổng số điều kiện đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do bộ này quản lý. Hiệu ứng này còn tiếp tục lan rộng tới nhiều bộ ngành, địa phương, nhất là các thành phố lớn của cả nước như Hà Nội, TPHCM cũng tích cực vào cuộc với các biểu hiện rất cụ thể. 
Việc liên tiếp các bộ ngành cam kết bãi bỏ các thủ tục hành chính không còn phù hợp, giúp nhiều doanh nghiệp thở phào nhẹ nhõm. Bởi như ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) chỉ rõ ra “nếu chỉ 1 giấy phép con, 1 loại điều kiện kinh doanh vô lý còn tồn tại, nó có thể giết chết hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam, làm héo mòn sức sáng tạo và năng lực cạnh tranh”. Đối với giới kinh doanh, việc cắt giảm các thủ tục hành chính gây cản trở lâu nay sẽ giúp họ rất nhiều, không chỉ là cơ hội gia nhập thị trường với chi phí rẻ hơn, an toàn hơn mà còn là cơ hội để họ cạnh tranh bằng năng lực, năng suất, sáng tạo, thay vì các mối quan hệ ngoài kinh doanh khác như lâu nay. 
Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, việc bỏ bớt các thủ tục đó vẫn chưa đủ, bởi trong số kế hoạch cắt giảm, sửa đổi điều kiện kinh doanh mà các bộ ngành đã công bố, nhiều kế hoạch chưa đi kèm với phương án sửa đổi; trong khi nội dung này mới thực sự quyết định cơ hội cạnh tranh, kinh doanh có thực sự được cởi trói hay không. Trong diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) 2017 tổ chức mới đây, các chuyên gia tư vấn cũng nhiều lần nhắc tới hệ lụy mà nền kinh tế Việt Nam đang phải gánh khi hệ thống điều kiện kinh doanh bó buộc tính cạnh tranh của thị trường, năng lực đổi mới, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp. Đó là nền kinh tế thiếu năng động, hiệu suất sử dụng các nguồn lực không cao; trong khi tiềm năng phát triển, tăng trưởng còn rất lớn…
Những kết quả bước đầu như vậy rất tích cực, việc còn lại là các cơ quan liên quan, bộ ngành, địa phương cần nỗ lực cởi bỏ tiếp các rào cản mà nhiều chuyên gia cũng như doanh nghiệp đã chỉ ra lâu nay để tạo điều kiện thật sự cho môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam thông thoáng, thuận lợi hơn.

Tin cùng chuyên mục