Thuận tiện cho khách bộ hành
Theo thống kê mới nhất của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, hiện nay toàn địa bàn thành phố đang khai thác tổng cộng 22 cầu bộ hành. Đặc điểm chung của các cầu bộ hành này là đều được đặt ở các vị trí, tuyến đường có bề rộng mặt đường lớn, nhiều làn xe hoặc có mật độ phương tiện tham gia giao thông đông đúc, tiêu biểu là cụm 7 cầu vượt trên đường Võ Văn Kiệt, cụm 5 cầu vượt trên đường Phạm Văn Đồng, cầu bộ hành Gò Dưa thuộc quận Thủ Đức, cầu bộ hành trên quốc lộ 1 đoạn trước Trường Đại học Kinh tế - Luật và Siêu thị Co.op... Mục đích chính và lớn nhất của các công trình cầu vượt bộ hành trên địa bàn thành phố dĩ nhiên không gì khác hơn là nhằm đảm bảo an toàn cho người đi bộ có nhu cầu băng ngang đường.
Thực tế khai thác thời gian qua cho thấy, chỉ hơn 1/3 trong số 22 cầu vượt bộ hành này có người đi bộ thường xuyên, tức được người dân sử dụng nhiều. Điểm trùng hợp là các cầu bộ hành có đông người sử dụng thường xuyên ấy hầu hết đều ở trước các bệnh viện lớn hoặc khu tập trung đông người. Có thể kể đến vài tiêu biểu như cầu bộ hành trên đường Cống Quỳnh, đoạn trước Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ; cầu bộ hành trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, đoạn trước Bệnh viện Ung bướu; cầu vượt bộ hành trên đường Nguyễn Trãi, đoạn trước Bệnh viện Nguyễn Tri Phương; cầu bộ hành trên xa lộ Hà Nội, đoạn trước Khu du lịch Suối Tiên…
Vẫn còn đến 14/22 cầu vượt dành cho khách bộ hành có lượng người sử dụng chưa nhiều, chẳng hạn như cầu bộ hành trên đường Phan Văn Trị, đoạn trước nhà hàng Hương Phố hoặc cầu bộ hành tại Công viên Hoàng Văn Thụ.
Trong thời gian tới, theo lộ trình, thành phố sẽ tiếp tục xây dựng thêm nhiều cầu vượt bộ hành. Ngay trong ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2018, sáng 2-1 vừa qua, Sở GTVT đã khởi công xây dựng cầu vượt bộ hành tại Công viên Gia Định trên đường Hoàng Minh Giám. Công trình này sẽ hoàn tất đưa vào khai thác trong quý 1-2018. Và ngay trước Tết Mậu Tuất 2018, cầu vượt bộ hành đang xây dựng trên đường Nguyễn Văn Cừ, đoạn trước Trường chuyên Lê Hồng Phong cũng sẽ hoàn thành.
Một loạt dự án cầu bộ hành cũng đang trong quá trình chuẩn bị triển khai trong năm 2018 như cầu bộ hành trên đường Quang Trung, thuộc phường 11, quận Gò Vấp; cầu bộ hành trên quốc lộ 1, đoạn trước chợ đầu mối Thủ Đức; cầu bộ hành trên đường Lê Văn Việt (thuộc quận 9), đoạn trước Cơ sở 2 Trường Đại học GTVT…
Thay đổi thói quen
Có nhiều lý do dẫn tới tình trạng còn một số cầu bộ hành chưa thu hút được người đi bộ sử dụng, chẳng hạn như cầu vượt có bậc cầu thang hơi dốc, không thuận tiện cho người lớn tuổi hoặc cầu vượt bố trí cách khá xa trạm xe buýt liền kề, tức thiếu sự kết nối hợp lý với hệ thống vận tải hành khách công cộng hay cầu vượt ít mảng xanh và không có mái che…
Đảm bảo an ninh cho người bộ hành sử dụng cầu vượt cần được cơ quan chức năng giải quyết để đem lại sự an tâm, tin tưởng cho người dân. Trong vấn đề này, lực lượng công an và chính quyền các địa phương giữ vai trò chính yếu. Theo đó, UBND các quận, huyện cần tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại khu vực đặt cầu bộ hành, lực lượng công an thì tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi xâm phạm công trình cầu bộ hành, không để xảy ra tình trạng tụ tập, lấn chiếm làm nơi buôn bán hoặc các tệ nạn xã hội.
Công tác tuyên truyền để người đi bộ sử dụng cầu bộ hành nhiều hơn cũng sẽ được ngành chức năng đẩy mạnh trong năm nay. Sở GTVT định hướng sẽ phối hợp với Ban An toàn giao thông thành phố và các phương tiện truyền thông đại chúng tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về ích lợi của việc sử dụng cầu bộ hành khi có nhu cầu băng ngang qua đường…
Cũng còn vài nguyên nhân khiến tần suất khai thác của nhiều cầu bộ hành trên địa bàn thành phố cho đến giờ vẫn chưa cao và thật đáng tiếc khi nguyên nhân này lại bắt nguồn từ thói quen, tập quán của một bộ phận không nhỏ người dân, đó là việc một bộ phận người dân điều khiển phương tiện còn mang nặng tâm thế muốn đi nhanh - về tắt, bất chấp Luật Giao thông đường bộ. Chính từ tâm thế này mới dẫn tới tình trạng chạy xe lên vỉa hè, đi vào đường ngược chiều, cố băng qua giao lộ dù đèn tín hiệu giao thông đã chuyển sang màu đỏ…
Tâm thế đi nhanh - về tắt đó cũng được lặp lại tại các cầu vượt dành cho người đi bộ, bởi một bộ phận người dân vẫn có suy nghĩ rằng, đi theo cầu vượt để băng ngang lộ sẽ lâu hơn, từ đó dẫn tới tâm lý không chuộng, thậm chí chê không muốn sử dụng cầu vượt bộ hành mà quên rằng đó là cách băng qua lộ an toàn nhất cho người đi bộ.
Để khắc phục những hạn chế này, ngành GTVT thành phố đã tính đến nhiều giải pháp trong thời gian tới. Những giải pháp đó tập trung vào đảm bảo thuận lợi, an toàn tối đa cho người sử dụng như tăng thêm mái che mưa che nắng, bổ sung thêm mảng xanh để tạo cảnh quan thẩm mỹ trên cầu, phối hợp với Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng bố trí trạm hoặc điểm dừng xe buýt ở ngay hai đầu lên xuống cầu bộ hành…
Đó là những giải pháp trong tầm tay, thế nhưng khó khăn nhất có lẽ là vấn đề thay đổi nếp nghĩ, thói quen thích đi nhanh - về tắt và để chuyển biến điều này không phải chuyện đơn giản, cũng như chắc chắn sẽ cần nhiều thời gian, công sức. Trong khi chờ đợi sự chuyển biến nhận thức và thói quen ấy, việc còn một số cầu bộ hành vẫn ít người sử dụng là điều không thể tránh khỏi.