Cần thêm cơ chế để nâng tầm y tế thành phố

UBND TPHCM vừa có quyết định phê duyệt Đề án huy động nguồn lực xã hội trong đầu tư phát triển y tế trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2024-2030. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, PGS-TS-BS TĂNG CHÍ THƯỢNG, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư thiết bị y tế ngày càng cao nhưng ngân sách thành phố có hạn, do đó rất cần có cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực y tế.

PHÓNG VIÊN: Thưa ông, thời gian qua việc huy động nguồn lực xã hội trong hoạt động khám chữa bệnh tại TPHCM được thực hiện như thế nào và đem lại kết quả gì?

* PGS-TS-BS TĂNG CHÍ THƯỢNG: Những năm qua, thông qua nguồn ngân sách đầu tư, chương trình vay kích cầu của thành phố, các cơ sở y tế công lập trên địa bàn đã có cơ hội đổi mới thiết bị y tế để triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu, phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực chuyên môn và chất lượng để phục vụ người dân.

%1D.jpg
PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng

Cụ thể, đến năm 2020, ngành y tế thành phố đã có 117 dự án đầu tư thuộc Chương trình vay kích cầu để đầu tư xây dựng, mở rộng bệnh viện (BV), hệ thống xử lý nước thải, thiết bị y tế với tổng giá trị vay là 5.834 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn từ 5-7 năm. Nhiều dịch vụ kỹ thuật mới, chuyên sâu, nhiều khu khám bệnh và điều trị kỹ thuật cao đã được hình thành và triển khai hiệu quả tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của thành phố.

Bên cạnh đó, nhiều đề án thực hiện hình thức đối tác lắp đặt thiết bị (đặt máy, mượn máy) đã đáp ứng nhanh nguồn vốn đang thiếu hụt của đơn vị, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách, cơ sở y tế được đầu tư thiết bị y tế hiện đại, nâng cao hiệu quả chẩn đoán, điều trị, phát hiện sớm, chính xác bệnh tật, giảm tỷ lệ tử vong.

Các đối tượng nghèo, cận nghèo, trẻ em, chính sách xã hội cũng được hưởng lợi từ thiết bị này và được quỹ BHYT thanh toán, ngoài ra phương thức này cũng góp phần giảm tải tuyến trên, giảm chi phí đi lại, thời gian chờ đợi của người bệnh. Hợp tác công - tư cũng đã giảm tải cho các BV công lập đang trong tình trạng quá tải, sử dụng nguồn lực sẵn có của các cơ sở y tế tư nhân, tiếp cận được kỹ năng và kinh nghiệm của khu vực tư nhân, gia tăng và cải thiện chất lượng dịch vụ y tế nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội.

Tại sao thành phố phải huy động nguồn lực xã hội trong hoạt động khám chữa bệnh, thưa ông?

* Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tăng lên do gánh nặng bệnh tật kép với sự gia tăng tỷ trọng các bệnh không lây nhiễm trong khi các dịch bệnh truyền nhiễm vẫn còn nhiều thách thức; sự gia tăng của các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe như tình trạng già hóa dân số, biến đổi khí hậu, đô thị hóa, công nghiệp hóa, toàn cầu hóa, hành vi lối sống bất lợi cho sức khỏe; kinh tế phát triển dẫn đến mong đợi và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao và đa dạng.

Bên cạnh nhiều BV, trung tâm y tế, trạm y tế đã được đầu tư sửa chữa, xây dựng mới vẫn còn một số BV đã xuống cấp, quá tải như BV Chấn thương Chỉnh hình, BV Tâm thần, BV Bệnh nhiệt đới… Việc hạn chế về cơ sở vật chất cũng đã góp phần gây ra tình trạng quá tải tại các cơ sở y tế. Nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư thiết bị y tế ngày càng cao nhưng ngân sách thành phố thì có hạn. Do đó, rất cần có cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực y tế.

Thành phố cũng đang xây dựng Đề án “Phát triển y tế chuyên sâu tại TPHCM giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo” đòi hỏi công tác quy hoạch phát triển ngành và nguồn vốn đầu tư không nhỏ. Do đó, bên cạnh việc thành phố tiếp tục ưu tiên đầu tư ngân sách cho y tế, cần thiết phải huy động nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng các bệnh viện hiện đại, đồng bộ theo tiêu chuẩn quốc tế, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị y tế để sớm hình thành các cơ sở khám, chữa bệnh chuyên khoa sâu, chất lượng cao.

%2b.jpg
Bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 hỗ trợ Bệnh viện Gia An 115 trong chẩn đoán điều trị đột quỵ

Nội dung chính của Đề án “Phát triển y tế chuyên sâu tại TPHCM giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo” là gì và lộ trình thực hiện như thế nào, thưa ông?

* Với mục tiêu huy động nguồn lực xã hội trong và ngoài nước để xây dựng hệ thống y tế thành phố tiên tiến, hiện đại tiếp cận trình độ công nghệ thế giới, hướng tới mục tiêu đưa TPHCM trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN, giai đoạn từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Thành phố sẽ huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội giúp tạo ra nguồn tài chính đa dạng để đến năm 2030, hình thành khu công nghiệp chuyên ngành y - dược tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 2, huyện Bình Chánh; đến năm 2025 khởi công xây dựng Trung tâm khám sức khỏe và tầm soát bệnh bằng công nghệ cao dự kiến đặt tại cơ sở 1 của Bệnh viện Ung bướu.

Bên cạnh đó, thành lập Trung tâm khám sức khỏe và tầm soát bệnh bằng công nghệ cao tại Cụm y tế chuyên sâu Tân Kiên và Cụm y tế chuyên sâu TP Thủ Đức; hình thành thêm các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tại 2 cụm y tế này và các khu vực khác phù hợp với quy hoạch được phê duyệt; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực cho các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa hiện hữu.

Bên cạnh đó, xây dựng thành phố trở thành trung tâm đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao: phát triển thêm các khoa y hợp tác với các trường đại học y khoa có uy tín trên thế giới; thêm loại hình liên kết đào tạo với các quốc gia Mỹ, Anh, Nhật Bản... tại các trường đại học khối ngành sức khỏe…

Kinh phí để thực hiện đề án này được cân đối như thế nào, thưa ông?

* Kinh phí thực hiện đề án bao gồm: nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách Nhà nước; vốn vay được hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố; nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước; nguồn vốn do các doanh nghiệp tự huy động; Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị và các nguồn khác… Việc huy động, sử dụng các nguồn lực xã hội được thực hiện đúng quy trình và quy định của pháp luật.

Tin cùng chuyên mục