Đây là một hoạt động cụ thể nhằm xây dựng, hoàn thiện thể chế tương thích để TPHCM - nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế, phát triển xứng tầm.
Nằm trong vùng động lực quan trọng của cả nước, TPHCM có khá nhiều điểm đặc biệt và đặc thù, mà trong tổng kết các nghị quyết, Bộ Chính trị luôn đánh giá cao nỗ lực của thành phố khi luôn giữ vai trò đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
TPHCM là trung tâm lớn, đi đầu trong nhiều lĩnh vực quan trọng như kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo… Sự đặc biệt của đô thị TPHCM còn được thể hiện ở quy mô kinh tế, quy mô dân số lớn nhất nước, và đứng thứ 18 trong nhóm thành phố có dân số đông nhất thế giới. Thành phố còn là nơi có các mô hình, loại hình kinh doanh đa dạng và kinh tế khu vực ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng cao trong đóng góp về GRDP, về tổng vốn đầu tư xã hội. Thành phố có vị trí chính trị đặc biệt quan trọng và cũng là cửa ngõ giao lưu, hội nhập với khu vực và quốc tế.
Những điểm đặc biệt đó là tiềm năng, lợi thế để TPHCM có thể phát triển ngang tầm với các đô thị lớn, nếu có thể chế phù hợp.
Trong những năm qua, kinh tế TPHCM liên tục tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, quy mô kinh tế không ngừng mở rộng. Vị trí, vai trò thành phố đối với vùng, cả nước ngày càng được khẳng định. Các cơ chế, chính sách và sự năng động, sáng tạo của thành phố còn đóng góp tích cực vào quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế của đất nước. Tuy nhiên, nhiều tiềm năng, lợi thế của thành phố chưa được khai thác, phát huy hiệu quả mà nguyên nhân lớn là thiếu thể chế dành cho đô thị đặc biệt.
Phải khẳng định, Trung ương luôn quan tâm, có những quyết sách quan trọng để thành phố phát triển nhanh và bền vững. Mới nhất là Nghị quyết 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó định vị TPHCM đến năm 2030 “có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á”; đến năm 2045 “TPHCM phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu”.
Mục tiêu, nhiệm vụ phát triển TPHCM càng cao thì trách nhiệm của thành phố càng nặng nề hơn.
Qua hơn 48 năm xây dựng và phát triển, truyền thống cách mạng kiên cường, phấn đấu bền bỉ cùng sự năng động, sáng tạo, đoàn kết cũng như tinh thần “TPHCM vì cả nước” luôn được các thế hệ lãnh đạo TPHCM vun bồi và phát huy. Nhận lãnh trọng trách trong bối cảnh mới, lãnh đạo TPHCM đương nhiệm cũng bày tỏ tinh thần xông pha gánh vác và đề xuất đăng cai thí điểm những vấn đề mới chưa có quy định hoặc quy định không còn phù hợp, để không phải tiếc nuối vì lỡ nhịp phát triển.
Được thí điểm thực hiện các cơ chế, chính sách mới là nhu cầu, cũng là đòi hỏi tự thân của thành phố trong nỗ lực phát triển, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Mặt khác, từ đòi hỏi mới của thực tiễn lẫn kỳ vọng của Nghị quyết 31 với TPHCM, là đặt thành phố ở thế so sánh với các thành phố khác trên thế giới, thì nhất thiết phải có thể chế tương thích và vượt trội để tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo được động lực, điều kiện phát huy hết các tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh, bền vững.
Việc tập trung và khẩn trương xem xét, quyết định nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 với những nội dung khác biệt lớn, nhất là về cơ chế thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển; về sự phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ hơn… cho thành phố, được kỳ vọng sẽ tạo bước chuyển có tính đột phá trong khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược và thúc đẩy TPHCM phát triển bền vững.