Chưa đảm bảo công bằng
PGS-TS Nguyễn Văn Vân (Trường Đại học Luật TPHCM) cho rằng, hiệu quả của một sắc thuế là phải đảm bảo các tiêu chí về tính đơn giản, dễ thực thi; chi phí tuân thủ thấp; tính công bằng… Thế nhưng, với sắc thuế TNCN thì có đến 7 bậc, sau khi giảm trừ gia cảnh, thì tính thuế 5% cho 5 triệu đồng tăng thêm và 10% cho 5 triệu đồng kế tiếp; rồi 15% cho 8 triệu đồng tiếp theo; 20% cho 14 triệu đồng tiếp theo; 25% cho 20 triệu đồng tiếp theo; đến 30% cho 28 triệu đồng tiếp theo; và cuối cùng là 35% đối với khoản thu nhập trên 80 triệu đồng/tháng. Bậc thuế tăng dần nhưng mức tiền không giống nhau khiến việc tính toán, thực thi rất khó khăn. Với quy định mức giảm trừ gia cảnh thấp như hiện nay, thì người làm công ăn lương có thu nhập thấp nếu có thêm các khoản tiền thưởng, tiền hoa hồng bị tạm thu thuế 10% thì cuối năm buộc phải quyết toán thuế mới được hoàn thuế chỉ vài triệu đồng, rõ ràng vừa tốn công sức xã hội, vừa tốn chi phí bộ máy nhà nước khi thực thi chính sách thuế.
Về tính công bằng cũng cần được xem xét khi so sánh với các sắc thuế khác, hoặc so sánh bên trong chính sắc thuế TNCN. PGS-TS Dương Anh Sơn (Trường Đại học Kinh tế - Luật TPHCM) cho rằng, thuế suất thuế TNCN đối với người làm công ăn lương cao nhất đến 35%, cao hơn thuế thu nhập doanh nghiệp (chỉ 20%) là điều bất hợp lý. Trong khi, doanh nghiệp sản xuất thì mọi chi phí đi lại, mua sắm công cụ làm việc được khấu trừ, sau đó có lãi mới tính thuế 20%; còn người lao động dù thu nhập có bao nhiêu cũng chỉ được khấu trừ 11 triệu đồng/tháng, mà mức này lại không đủ trang trải cho những chi phí cơ bản của cuộc sống. Những chi phí thuê nhà, mua xe, quần áo, lãi suất ngân hàng… của người làm công ăn lương không được đưa vào chi phí khấu trừ.
Phải có thu nhập mới nộp thuế
Cũng là thuế TNCN, nhưng trong sắc thuế này quy định nhiều mức thuế suất khác nhau cho các nguồn thu nhập khác nhau. Trong đó, thuế suất đối với người làm công ăn lương vẫn cao nhất, lên đến 35%. Trong khi đó, thuế suất TNCN đối với chuyển nhượng bất động sản là 2% trên giá bán (trước đây cũng chỉ 25% trên lợi nhuận); 0,1% giá chuyển nhượng chứng khoán; 20% phần chênh lệch (sau khi đã khấu trừ giá vốn) khi chuyển nhượng vốn góp; 10% cho thu nhập là hoa hồng, quà tặng, trúng thưởng… Điều này cho thấy người làm công ăn lương đang “gồng mình” với mức thuế suất cao nhất, chỉ cần có thu nhập trên 80 triệu đồng/tháng là phải nộp thuế 35%. Trong khi đó, những người trúng xổ số hàng trăm tỷ đồng “tiền từ trên trời rơi xuống”, không phải bỏ công sức, tái tạo sức lao động, nhưng chỉ nộp thuế 10%. “Quy định này quá bất hợp lý!”, ông Nguyễn Huy Hoàng (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) bức xúc nói.
Thạc sĩ An Thị Ngọc Lan (giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng) ví dụ, một chủ dự án nếu thuê giám đốc với mức lương 300 triệu đồng/tháng trong vòng 3 năm thì phải trả lương hơn 10 tỷ đồng. Khi đó, người lao động phải nộp thuế TNCN từ 5% đến 30% cho số tiền dưới 80 triệu đồng/tháng và 35% cho số tiền 220 triệu/tháng còn lại, vậy tính sơ cũng đã hơn 2,5 tỷ đồng. Đó là chưa kể người lao động và người sử dụng lao động phải nộp các loại bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp… với mức 30% , thì số tiền phải nộp khoảng 5 tỷ đồng. Như vậy, để lách thuế, thay vì ký hợp đồng lao động thì họ sẽ ký hợp đồng môi giới, khi đó, người nhận tiền chỉ nộp thuế thu nhập cá nhân môi giới 10%, tương đương 1 tỷ đồng cho gói tiền môi giới 10 tỷ đồng (bằng gói tiền lẽ ra trả lương). Điều đó cho thấy, thuế suất cao hoặc quy định pháp luật không công bằng sẽ khiến cho kẻ gian lách thuế và người ngay phải trả thuế cao.
Do vậy, các chuyên gia cho rằng, Luật Thuế TNCN cần thay đổi toàn diện, bỏ bậc thuế lũy tiến, cho phép người có thu nhập cao được khấu trừ chi phí cao tương ứng. Luật Thuế TNCN phải hướng đến “phải có thu nhập mới nộp thuế”, chứ không nộp thuế trên số tiền thu được chưa trừ chi phí. Đồng thời, cần cân bằng các mức thuế suất thống nhất (tăng thuế quà tặng, trúng thưởng lên tương ứng); dung hòa mức thuế suất thuế TNCN với thuế thu nhập doanh nghiệp để tránh việc lách luật, né thuế mà không bảo vệ cho người ngay tình…