Đào tạo âm nhạc học đường: yếu và thiếu
Gần 50 ý kiến phát biểu, bài tham luận của các giáo viên đang giảng dạy tại các trường phổ thông, các giảng viên của nhạc viện, của trường ĐH, CĐ, các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục, văn hóa, âm nhạc đều tập trung đến giáo dục âm nhạc trong thời kỳ đổi mới, đặc biệt trong thời điểm giao thời giữa chương trình học âm nhạc cũ (từ lớp 1 đến lớp 9) và ban hành chương trình âm nhạc mới (từ lớp 1 đến lớp 12); nêu rõ việc giảng dạy âm nhạc trong trường học là quan trọng và cần sự quan tâm từ nhiều cấp, bộ, ngành - các đơn vị quản lý nhà nước; cần thay đổi phương pháp đào tạo giảng viên âm nhạc trong các trường sư phạm…
Phó GS-TS Tạ Quang Đông - Giám đốc Nhạc viện TPHCM, nhận định: Âm nhạc là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Âm nhạc có tác động mạnh mẽ tới tâm tư, tình cảm con người, tạo động lực trong lao động, có tính đoàn kết và vươn tới cái đẹp trong tâm hồn, thế nhưng, trong nhiều thập kỷ qua, công tác GD-ĐT bộ môn Âm nhạc trong trường phổ thông vẫn chưa được xem trọng. Trong chương trình giáo dục âm nhạc (được thực hiện từ năm 2002 đến nay), bộc lộ không ít những hạn chế: giảng viên ít tiếp cận chương trình, coi sách giáo khoa là tài liệu có tính pháp lý cao nhất; học sinh chưa nắm rõ về nhạc lý nên chưa có khả năng giải mã và phân tích về cao độ, trường độ…
TS Nguyễn Long Giao, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thánh Tông, quận 8, trăn trở: “Cấp tiểu học còn nhiều trường khó khăn về đội ngũ giáo viên âm nhạc. Thực tế, tại các trường chỉ có 1 hoặc 2 giáo viên âm nhạc. Ở nhiều trường, đa số giờ học âm nhạc là do giáo viên chủ nhiệm đảm nhiệm luôn. Cơ sở vật chất dành cho bộ môn Âm nhạc ở các trường cũng chưa được đầu tư, trang bị để đáp ứng cho công tác giảng dạy”. Giảng viên Bùi Thiên Hoàng Quân, Nhạc viện TPHCM, khẳng định thêm: “Trường là nơi để các em tiếp xúc âm nhạc qua những giờ lên lớp, nhưng với thời lượng 1 tiết/tuần, 37 tiết/học kỳ thì quá ít, không đủ để các em cảm thụ âm nhạc nói chung và âm nhạc dân tộc nói riêng”.
Vấn đề giáo dục âm nhạc cho học sinh phổ thông đã và đang tồn tại quá nhiều trở ngại, khó khăn: số lượng học sinh năng khiếu ít, các tiết học nhạc thường mất tập trung; ở cấp tiểu học, phần lớn các em chỉ thích học hát vì môn tập đọc nhạc nặng về lý thuyết; ở nhiều trường, giờ học nhạc bị cắt bớt để nhường giờ cho các môn học khác… TS Võ Văn Lý cho rằng: “Tại các cơ sở sư phạm, chương trình đào tạo hiện nay cần phải hợp lý, cân bằng giữa lý thuyết và thực hành, tăng cường thời lượng cho giảng dạy nhạc cụ”.
Cấp thiết thay đổi
Đề án “Giáo dục âm nhạc dân tộc trong trường học trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016 - 2020” từng bước được triển khai với lộ trình thực hiện gồm 3 giai đoạn: Tìm hiểu thị hiếu âm nhạc và thành lập câu lạc bộ (năm 2016 - 2018); nghe, nhận biết, thưởng thức và có cảm xúc về âm nhạc dân tộc (năm 2018 - 2019); thực hành biểu diễn âm nhạc dân tộc (2019 - 2020). Theo tinh thần chung của đề án, các đơn vị sẽ tổ chức, giới thiệu cho học sinh biết về các loại nhạc cụ dân tộc, dân ca các vùng miền, biết về nghệ thuật đờn ca tài tử… thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt ngoại khóa. Đề án nhằm “tạo cơ hội cho học sinh được trải nghiệm và phát triển các năng lực thẩm mỹ đặc thù của môn học này (thể hiện âm nhạc, cảm thụ âm nhạc, phân tích và đánh giá âm nhạc, ứng dụng và sáng tạo âm nhạc), đồng thời góp phần bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu âm nhạc”.
Mở rộng tầm nhìn ra thế giới, PGS-TS Tạ Quang Đông thông tin: “Hệ thống đào tạo giáo viên cũng như đào tạo âm nhạc ở hầu hết các nước châu Âu, châu Mỹ rất chú trọng phát triển năng khiếu về âm nhạc nói riêng và văn - thể - mỹ nói chung cho học sinh, sinh viên. Đặc biệt, có các ưu tiên khi tuyển lựa sinh viên thi đầu vào hoặc dành các suất học bổng cho học sinh, sinh viên có năng khiếu trong lĩnh vực nghệ thuật - thể dục, thể thao. Tại các nước, giáo viên giảng dạy môn Âm nhạc được đào tạo chuyên nghiệp. Nhiều hệ thống nhạc viện trên thế giới như Đức, Thụy Điển có khoa Sư phạm riêng biệt. Tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Điển, Hoa Kỳ và một số quốc gia khác, môn Âm nhạc được hướng tới không chỉ giảng dạy nhạc lý, thanh nhạc mà còn độc tấu, hòa tấu nhạc cụ, có thể biết ngẫu hứng hoặc sáng tác những giai điệu đơn giản”.
“Giáo dục âm nhạc phổ thông mang ý nghĩa to lớn: nhằm giúp hình thành và hoàn thiện về nhân cách, hài hòa về thể chất và tinh thần. Âm nhạc còn góp phần phát triển các phẩm chất khác cho học sinh như: giáo dục lòng yêu nước, nhân ái, tính chăm chỉ, trung thực, có trách nhiệm trong cuộc sống… Việc học nhạc cụ Việt Nam và nước ngoài còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa và hội nhập quốc tế”, TS Võ Văn Lý phát biểu.
Hàng loạt giải pháp được đề xuất, trong đó có việc làm sao giúp học sinh có hứng thú trong học tập, tương tác với bài giảng trên lớp; cập nhật và đổi mới có chọn lọc để tìm ra những phương pháp mới đào tạo giáo viên âm nhạc tại các trường phổ thông; thực hiện liên kết, hợp tác đào tạo giáo viên âm nhạc chất lượng với các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp, hoặc tuyển dụng đội ngũ giảng viên âm nhạc tốt nghiệp từ các trường chuyên nghiệp; phải xây dựng nhiều chương trình ngoại khóa hấp dẫn học sinh, từng bước đưa việc dạy chơi nhạc cụ vào chương trình và chú trọng giảng dạy âm nhạc dân tộc.
PGS-TS, NSƯT Trương Ngọc Thắng thống kê: “Theo số liệu từ Bộ GD-ĐT, trong tổng số hơn 16.000 giáo viên âm nhạc, chỉ có 631 giáo viên có trình độ đại học (3,9%); 7.271 giáo viên trình độ cao đẳng (43%); 7.271 giáo viên trình độ trung cấp và cũng có gần 7% giáo viên dạy kiêm nhiệm. Như vậy có thể thấy, trình độ đội ngũ giáo viên bộ môn âm nhạc còn rất hạn chế. Ngoài ra, chất lượng giáo viên không chỉ phụ thuộc vào năng khiếu của thầy, cô mà còn ở phương pháp dạy học. Hiện nay, chất lượng giáo viên dạy nhạc vẫn chưa tốt”. |