Cận Tết Nguyên đán - Coi chừng mua trúng hàng giả qua mạng xã hội

Hàng loạt phát hiện của ngành chức năng về hoạt động livestream bán hàng trôi nổi trong thời gian gần đây cho thấy, càng cận Tết Nguyên đán tình trạng bán hàng giả, hàng kém chất lượng lại càng tung hoành khắp các trang mạng xã hội. 

Trước thực trạng này, cơ quan chức năng đã đẩy mạnh kiểm tra, rà soát các trường hợp có dấu hiệu vi phạm, kinh doanh hàng dỏm nhằm xử lý triệt để.

f1g-9087.jpg
Hàng loạt túi xách, bóp, nước hoa giả mạo thương hiệu nổi tiếng chuẩn bị đưa đi tiêu hủy. Ảnh: XUÂN TRƯƠNG

Thu cả tỷ đồng/ngày

Lần theo một số phiên livestream bán hàng trên các trang mạng xã hội, người viết ghi nhận nhiều mặt hàng thương hiệu nổi tiếng thế giới nhưng giá bán… rẻ không ngờ. Chẳng hạn, một số loại áo thun, quần đùi, giày dép… thương hiệu Gucci, Chanel, adidas… nhưng giá ngang hàng chợ, từ 39.000-159.000 đồng/món, trong khi hàng chính hãng có giá từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng/món.

“Người bán luôn khẳng định hàng chính hãng, giá rẻ, do chính sách ưu đãi cuối năm, nhưng không có gì đảm bảo”, bạn Hoàng Thị Ngọc, khách mua hàng đang theo dõi phiên livestream trên gian hàng có tên Gozen, chia sẻ.

Thậm chí, một số sàn thương mại điện tử ít nhiều có “tên tuổi” như Shopee, Lazada… cũng rao bán nhiều sản phẩm giá rẻ đáng ngờ. Ví dụ, chai nước hoa nữ Coco Chanel 100ml trên Lazada chưa tới 70.000 đồng/chai, trong khi hàng chính hãng lên tới vài triệu đồng; hay Shopee bán chai nước hoa nam Bleu de Chanel 100ml chỉ vài chục ngàn đồng, trong khi hàng chính hãng có giá từ 2,9-3,35 triệu đồng/chai…

Cách nay vài ngày, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh tại tổ 17, ấp Phú Bình (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) livestream bán hàng trên trang Facebook, đã phát hiện hàng ngàn sản phẩm, dầu gội, thực phẩm chức năng, quần áo, giày dép trôi nổi, không rõ nguồn gốc… Chủ hàng khai nhận hàng hóa được lấy từ các cơ sở tại TPHCM, sau đó chào bán trực tiếp trên mạng xã hội và vận chuyển đến người tiêu dùng.

Khoảng 1 tuần trước, Tổng cục QLTT ra quân kiểm tra, phát hiện chủ kho hàng lớn tại Hà Nội, là một hotgirl có tiếng trong kinh doanh online, livestream bán hàng trên nhiều nền tảng từ TikTok, Instagram, Facebook, website với tên gọi Mailystyle.com. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng ghi nhận nhiều hàng hóa trôi nổi, không rõ xuất xứ, không có tem nhãn tiếng Việt… Tính riêng trong phiên livestream ngày 23-12-2023, nền tảng Facebook Mailystyle.com có 647.000 lượt theo dõi, 4.100 lượt bình luận chốt đơn, doanh thu từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/ngày.

Cục QLTT tỉnh Gia Lai cũng lần theo các phiên livestream phát hiện một kho hàng “khủng” trên địa bàn, gồm đủ loại mỹ phẩm, giày dép, thực phẩm giảm cân cấp tốc… trị giá lớn. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận hàng hóa được chất đống, ngổn ngang từ khu vực phía ngoài cổng đến kho chứa sâu bên hông khu vực nhà ở.

Phạt kịch khung

Phần lớn các vụ phát hiện, xử lý vi phạm kinh doanh trực tuyến hiện nay được Cục QLTT TPHCM cũng như các tỉnh thành cho biết, là nhờ tăng cường theo dõi các phiên livestream bán hàng. Những thông tin bán công khai sản phẩm kiểu này đã tạo điều kiện giúp lực lượng liên ngành (công an kinh tế, thuế…) phát hiện nhiều kho hàng “khủng”.

“Có những điểm nóng, chúng tôi phải lên kế hoạch theo dõi cả tháng trời, cắt cử lực lượng giám sát chặt chẽ mới đưa được đối tượng vi phạm ra ánh sáng”, một cán bộ QLTT ở TPHCM thông tin. Chia sẻ với PV Báo SGGP, lãnh đạo Cục QLTT TPHCM và Cục Hải quan TPHCM cho hay, hiện đang tăng cường phối hợp thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt tại các địa bàn nổi cộm, trọng điểm và chú ý đến nhóm mặt hàng xăng dầu, thực phẩm, mỹ phẩm, hóa chất… dịp cận Tết Nguyên đán 2024.

f5b-8979.jpg
Hàng giả, hàng trôi nổi bán tại các phiên livestream bị cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ, đem tiêu hủy. Ảnh: PHƯƠNG ANH

Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia (ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tại các địa phương ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả… Tập trung kiểm soát chặt chẽ các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đại lý, sàn giao dịch thương mại điện tử, các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok... mua, bán trực tuyến để phát hiện, xử lý nghiêm hành vi kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực này, hàng giả, hàng nhái vẫn tràn lan trên mạng. Câu trả lời là, con số doanh thu “khổng lồ” của các sàn thương mại điện tử trong tháng 11-2023 cho thấy, đây đúng nghĩa “con gà đẻ trứng vàng”, nhất là khi “xuân về, tết đến”.

Chỉ tính riêng 4 sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada, TikTok Shop và Tiki) đạt trên 31.000 tỷ đồng, tăng 9,3% so một tháng trước đó. Trong khi đó, các chương trình khuyến mãi, thanh toán tiện lợi và livestream được đánh giá là động lực khiến người dùng mua hàng ầm ầm và tỷ lệ “chốt đơn” tăng mạnh.

Luật gia Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, nhận định, kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên không gian mạng xã hội đem lại lợi nhuận “khủng”, nên các đối tượng vi phạm thường kinh doanh bất chấp thủ đoạn. Bà Phan Thị Việt Thu khuyến nghị cơ quan chuyên trách cần rà soát, xử lý nghiêm những trường hợp livestream, kinh doanh hàng dỏm; đồng thời cảnh báo người tiêu dùng nên mua hàng hóa có xuất xứ, nguồn gốc, hóa đơn chứng từ rõ ràng… “Chợ mạng khổng lồ nhưng giống như ma trận, nên người mua phải thật tỉnh táo”, bà Phan Thị Việt Thu nhấn mạnh.

Căn cứ theo Điều 192 Bộ luật Hình sự, mức phạt tiền cao nhất đối với cá nhân kinh doanh hàng giả là 1 tỷ đồng, với pháp nhân là 9 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP có quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm là 200 triệu đồng đối với cá nhân và 400 triệu đồng đối với tổ chức. Đây là mức phạt được đánh giá có tính răn đe cao. Vấn đề còn lại là đưa các quy định này vào thực hiện thật nghiêm trên thực tế.

Xử phạt các sàn thương mại điện tử hàng trăm tỷ đồng

Ghi nhận từ Tổng cục Thuế, số thu năm 2023 đối với các tổ chức, cá nhân trong nước kinh doanh thương mại điện tử đạt 536,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cơ quan thuế tiến hành truy thu, xử lý vi phạm đối với 179 doanh nghiệp và 1.061 cá nhân có hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử khoảng 275 tỷ đồng. Cục QLTT TPHCM cũng thông tin, trong năm 2023 các đội đã kiểm tra, xử phạt hàng ngàn trường hợp kinh doanh hàng hóa nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu, trong đó phát hiện các trường hợp livestream bán hàng trôi nổi, giả mạo… Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là trên 83 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục