Lâu nay, vấn đề bia mộ ghi “Liệt sĩ vô danh” đã được bàn luận nhiều, vì không liệt sĩ nào là không có tuổi có tên, làm nhói lòng bao thế hệ. Tuy nhiên, cả nước vừa trải qua đại dịch Covid-19, kinh tế, đời sống người dân còn rất khó khăn. Chính vì thế, thân nhân liệt sĩ, cựu chiến binh mong muốn Nhà nước dùng kinh phí để làm những việc thiết thực hơn như xác minh, điều tra thông tin để hoàn thiện tên, tuổi cho liệt sĩ, chăm lo cho gia đình thương binh, liệt sĩ…Báo SGGP xin giới thiệu ý kiến của bạn đọc xung quanh vấn đề này.
Hoàn thiện tên, tuổi cho liệt sĩ
Mấy ngày qua, anh em cựu chiến binh chúng tôi rất trăn trở về ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung. Ý kiến chỉ đạo trên chắc chắn xuất phát từ tấm lòng tri ân những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh máu xương, tuổi thanh xuân cho đất nước. Tổ quốc phát triển, giàu đẹp như ngày hôm nay là nhờ một phần sự hy sinh của các liệt sĩ. Việc xây sửa bia mộ của liệt sĩ là một trong những phần việc để tri ân liệt sĩ. Tuy nhiên, nếu điều chỉnh, xây dựng lại bia mộ bằng đá tốt, khắc thật sâu dòng chữ “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin” thay thế dòng chữ “Liệt sĩ vô danh” thì không giải quyết được gì! Trước hết, về nội dung thì cũng như nhau. Với hàng chục ngàn phần mộ liệt sĩ vô danh trải dài trên khắp mọi miền đất nước thì kinh phí cho việc sửa chữa này là rất lớn.
Hiện nay, các tỉnh, thành đang bước vào giai đoạn thích nghi với tình hình mới; ngân sách còn hạn hẹp, người dân gặp khó khăn trong đại dịch chưa nhận được chi phí hỗ trợ thì việc chi trả cho việc sửa chữa bia mộ liệt sĩ như vậy là chưa phù hợp. Nên chăng, chúng ta dành chi phí đó cho công tác xác minh, điều tra thông tin để hoàn thiện tên, tuổi cho liệt sĩ. Mặt khác, đất nước vẫn còn hàng vạn thân nhân, gia đình các liệt sĩ đang gặp khó khăn trong cuộc sống. Với nghĩa cử “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”…, chúng ta nên tập trung thêm kinh phí để chăm lo cho thân nhân và các gia đình liệt sĩ thì sẽ hiệu quả hơn!
Ông ĐOÀN LƯƠNG KHUỆ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Bình:
Chưa cần thiết và tốn kém
Thông tin Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH chỉ đạo phải thay toàn bộ bia ghi “Liệt sĩ vô danh” thành “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin” khiến nhiều người không khỏi băn khoăn. Theo tôi, việc này chưa cần thiết và rất tốn kém, vì nếu có đổi tên bia mộ thì cũng đều không có thông tin về liệt sĩ. Trong khi đó, đất nước vừa trải qua đại dịch Covid-19, kinh tế còn khó khăn, nên dành kinh phí ấy để làm công tác chính sách, đền ơn đáp nghĩa, chăm lo các gia đình liệt sĩ chưa tìm thấy mộ phần, tên tuổi thì ý nghĩa hơn. Còn từ đây trở về sau, khi quy tập hài cốt liệt sĩ mà không xác định được danh tính, lúc đó mới có thể theo ý tưởng mới này. Còn những bia mộ đã ghi “vô danh” trước đây thì nên để vậy.
Trung tá NGUYỄN VIẾT TẠO, Trưởng Ban liên lạc Cựu chiến binh Binh chủng Ra đa phía Nam:
Chuyển kinh phí sang xác định danh tính
Là người lính từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi đã chứng kiến nhiều đồng đội, trong đó có những người đồng lứa cùng nhập ngũ, anh dũng hy sinh. Chúng tôi thấu hiểu nỗi đau buồn khi gia đình có người thân hy sinh, nhiều gia đình chưa tìm thấy mộ con em mình. Ở mỗi nghĩa trang liệt sĩ, có bao nhiêu ngôi mộ liệt sĩ vô danh là bấy nhiêu gia đình, người thân liệt sĩ khắc khoải chờ đợi. Điều mà các gia đình, người thân liệt sĩ mong mỏi là xác định danh tính, tên tuổi của các liệt sĩ. Vì thế, kinh phí để đầu tư thay toàn bộ bia liệt sĩ ấy nên dùng để đầu tư trang thiết bị, đầu tư công sức để xác định danh tính cho các liệt sĩ. Nỗi niềm, mong muốn lớn nhất của các gia đình, thân nhân liệt sĩ là biết được danh tính, nơi yên nghỉ của con em mình. Chính vì thế, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn chế, Bộ LĐTB-XH nên tạm dừng chương trình thay bia để chuyển kinh phí sang tìm, xác định danh tính nhằm sớm đưa liệt sĩ về với người thân của mình, đưa những người con về với người cha, người mẹ đã già đang khắc khoải chờ trông.
Ông HOÀNG VĂN DỎ, thôn Tân Định, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình:
Cần những việc thiết thực hơn
Vấn đề thay tên bia mộ hiện nay khiến tôi rất tâm tư. Con tôi là liệt sĩ Hoàng Văn Túy, hy sinh năm 1988 tại đảo Gạc Ma khi bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, và đến nay gia đình vẫn không biết hài cốt con tôi nằm ở đâu. Nếu hài cốt con tôi được tìm thấy những năm sau đó thì chắc cũng ghi vô danh, vì thân xác đã quyện với đất mẹ. Tôi chỉ mong Nhà nước thay vì dùng tiền để thay đổi bia mộ liệt sĩ thì nên dùng để làm những việc thiết thực hơn, như tăng nguồn kinh phí để phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ còn nằm đâu đó ở những nơi hẻo lánh, lạnh giá.