Đáng chú ý, cũng như ý kiến của một số ĐBQH khác, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đồng tình tích hợp các quy hoạch để tránh lãng phí. Bên cạnh đó, việc quy hoạch chậm gây nhiều thiệt hại lớn phải được chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm thuộc về ai.
Trước đó, ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, số lượng các tổ chức tư vấn, chuyên gia tư vấn có đủ năng lực, trình độ chuyên môn làm quy hoạch tích hợp không nhiều để đáp ứng được yêu cầu, trong khi danh mục quy hoạch là rất lớn. Thực tế nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong việc tìm tổ chức tư vấn.
ĐB Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) và nhiều ý kiến ĐB khác cũng cho rằng, cần có cơ chế, chính sách xây dựng lực lượng đội ngũ tư vấn có chất lượng, phối hợp với tư vấn nước ngoài. Do đó, cần có các cơ chế, chính sách đột phá về cách thức và nguồn kinh phí để lựa chọn được các đơn vị tư vấn đủ tầm, giàu kinh nghiệm, có chất lượng cao, có sự kết hợp tư vấn trong nước và ngoài nước (đặt hàng) để tập trung triển khai các quy hoạch then chốt.
ĐB Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị, quy hoạch cần được làm có trọng tâm trọng điểm, không dàn trải. Cụ thể, cần lựa chọn và tập trung vào một số quy hoạch quan trọng, then chốt nhất đóng vai trò định hướng và dẫn dắt cho các quy hoạch khác. “Ví dụ như quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch vùng và quy hoạch một số đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM”, ĐB Nguyễn Mạnh Hùng nói.
ĐB Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) nhận xét, nổi lên trong báo cáo giám sát là tiến độ lập quy hoạch rất chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do công tác lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch đòi hỏi phải đổi mới toàn diện theo phương pháp tích hợp. Đây là phương pháp tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, các lĩnh vực có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường trên một phạm vi lãnh thổ xác minh nhằm đạt được mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững. Trong khi chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện còn nhiều bất cập, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ.
Do đó, ĐB Trần Văn Tuấn đề nghị bổ sung vào dự thảo nghị quyết của Quốc hội một số nội dung có tính giải pháp như bổ sung quy định sau thời kỳ lập quy hoạch 2021-2030, việc lập quy hoạch phải tuân thủ nguyên tắc quy hoạch cấp cao hơn làm trước, làm cơ sở cho việc lập quy hoạch cấp thấp hơn, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công tác quy hoạch.
Ý kiến một số ĐB cũng cho rằng, trong thực tiễn xã hội, người dân hết sức quan tâm đến vấn đề quy hoạch treo và dự án treo. Đây cũng là nội dung gây bức xúc trong nhân dân, đặc biệt đối với người dân nằm trong vùng quy hoạch treo, dự án treo. Do đó, ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) kiến nghị Chính phủ cần ban hành các quy định cụ thể về thời gian thực hiện các quy hoạch treo, dự án treo, đồng thời có chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng quy hoạch đã đề ra….