Hội thảo là cơ sở quan trọng để Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục bổ sung, hoàn thiện đề án nhân sự Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 để trình Ban Bí thư, Bộ Chính trị.
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, việc đổi mới tổ chức bộ máy của MTTQ Việt Nam có vai trò quan trọng trong đổi mới phương thức và chất lượng hoạt động của MTTQ Việt Nam; đồng thời góp phần quan trọng trong tổ chức và hoạt động của hệ thống mặt trận các cấp.
Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư cũng đề cập tới việc chú trọng phát hiện, giới thiệu người có năng lực, uy tín, tâm huyết, trách nhiệm cao với đất nước và công tác mặt trận; có thể mở rộng thành phần, số lượng tổ chức thành viên, cá nhân tiêu biểu trong nước và đồng bào Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia mặt trận các cấp, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế, sức mạnh đại đoàn kết của MTTQ Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, cơ sở pháp lý, căn cứ chính trị về hoạt động của MTTQ Việt Nam đã cơ bản đầy đủ. Bởi vậy, việc đổi mới tổ chức bộ máy của MTTQ Việt Nam các cấp là nội dung quan trọng trong nhiệm kỳ mới.
“Thực tế cho thấy, xuất phát từ vị thế, vai trò của mặt trận trong giai đoạn hiện nay, công tác mặt trận có nhiều vấn đề như: mở rộng tổ chức thành viên; dân số sinh sống ở nhiều chung cư lớn hơn 1 xã, hoạt động của ban công tác mặt trận ở khu chung cư sẽ giải quyết ra sao; đội ngũ cán bộ chuyên trách của mặt trận hiện nay đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra chưa”, bà Nguyễn Thị Thu Hà đặt vấn đề và cho rằng, tại một số tỉnh, thành, cơ cấu, thành phần tham gia ủy viên ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp hiện chưa rõ ràng; chế độ, chính sách cho cán bộ mặt trận hiện nay vẫn còn khó khăn; cơ chế phối hợp, thống nhất hành động ở cơ sở vẫn còn một số cản trở, vướng mắc…
MTTQ Việt Nam luôn quan tâm đến đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động cho phù hợp với tình hình nhiệm vụ cách mạng mới của đất nước; giải quyết đúng đắn mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, khắc phục triệt để căn bệnh “xa dân”, dân chủ hình thức, hành chính hóa hoạt động, công chức hóa cán bộ, tăng cường hiệu quả giám sát, phản biện xã hội và kiểm soát quyền lực.
PGS-TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản mong muốn đại biểu thảo luận làm rõ một số vấn đề: tổ chức bộ máy của MTTQ Việt Nam hiện nay có những điểm gì hợp lý và chưa hợp lý; số lượng ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X dự kiến tăng lên 10% thì cơ cấu sẽ gồm những đại biểu thuộc lĩnh vực nào….
Nêu ý kiến tại hội thảo, ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, việc chuẩn bị nhân sự để hiệp thương chọn cử tham gia Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cần tiến hành thật công phu, kỹ lưỡng cả về tiêu chuẩn và có cơ cấu hợp lý, nhất là đối với nhóm thành viên cá nhân tiêu biểu. Đặc biệt quan tâm xây dựng cơ cấu, tiêu chuẩn, chọn cử các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, các chuyên gia, nhà khoa học và hoạt động thực tiễn tham gia mặt trận Trung ương. Ông đề nghị, nếu như số lượng ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X dự kiến tăng lên 10% thì số tăng thêm này chủ yếu sẽ là các cá nhân tiêu biểu.
"Cần ưu tiên tăng số lượng nhóm các nhân sĩ trí thức tiêu biểu, các chuyên gia, nhà khoa học, người có nhiều kinh nghiệm hoạt động thực tiễn có liên quan nhiều đến tổ chức và công tác mặt trận; nên mời một số cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước đã hoặc sắp nghỉ hưu có tâm huyết và am hiểu chính sách mặt trận, công tác mặt trận", ông Lê Truyền đề xuất.
Đáng chú ý, chia sẻ về mô hình tập hợp nhân dân ở các khu chung cư, ông Nguyễn Sỹ Trường, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội cho biết, Hà Nội đã triển khai thành lập ban công tác mặt trận ở mỗi tổ dân phố có nhà chung cư. Các thành viên trong ban công tác mặt trận tham gia ban quản trị nhà chung cư để tạo thuận lợi cho hoạt động chung của tòa nhà; thuận lợi đi sâu, đi sát đến từng người dân. Ban công tác mặt trận tại mỗi khu dân cư đã thực sự là hạt nhân đoàn kết, khơi dậy phát huy tiềm năng của cộng đồng.
Do đó, ông Nguyễn Sỹ Trường đề xuất, cấp ủy, chính quyền địa phương cần chỉ đạo cấp ủy, chi bộ, tổ dân phố và ban quản trị nhà chung cư xây dựng quy chế hoạt động; phối hợp chặt chẽ thực hiện tốt quy chế với ban công tác mặt trận tại mỗi khu dân cư để đáp ứng nhu cầu của người dân, giúp khu dân cư phát triển bền vững, hướng tới xây dựng khu dân cư kiểu mẫu mới, mang đậm nét đô thị văn minh.