Trong buổi thảo luận chiều 8-11 về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022, các ĐBQH tiếp tục chỉ ra nhiều vấn đề cần khắc phục trong lĩnh vực này.
ĐB Nguyễn Văn Thuận (Ninh Thuận) cho rằng, kết quả phát hiện tội phạm chưa phản ánh hết tình hình thực tế các loại tội phạm về công nghệ, tội phạm môi trường. Thực tế hiện nay, tội phạm đánh bạc, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng, tội phạm gian lận thương mại, buôn lậu diễn ra nhiều nhưng chưa được xử lý tương xứng. Công tác quản lý có lúc, có nơi buông lỏng dẫn đến tội phạm có tổ chức nổi lên.
ĐB cũng đề nghị phân tích để làm rõ một số số liệu quan trọng trong báo cáo mà Chính phủ nêu. Cụ thể, báo cáo nêu số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế phát hiện giảm 36,68%, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ phát hiện tăng 40,97%. ĐB Nguyễn Văn Thuận cho rằng, tình hình phạm tội về quản lý kinh tế và phạm tội về tham nhũng có quan hệ chặt chẽ với nhau, vì vậy cần làm rõ, phân tích thêm về sự gia tăng và giảm thiểu của hai loại tội phạm này trong báo cáo.
ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) đánh giá, các loại tội phạm có tính chất nguy hiểm, tinh vi, tội phạm sử dụng công nghệ cao và số tội phạm gây bức xúc trong dư luận xã hội như tội phạm giết người (giết người thân), tội phạm xâm hại trẻ em, tội buôn bán người, tội tham nhũng vẫn tiếp tục có xu hướng gia tăng.
“Cần đẩy mạnh phát hiện, ngăn chặn và loại trừ các điều kiện, nguyên nhân phát sinh tội phạm ngay tại cơ sở. Ngoài việc phát huy vai trò của hệ thống chính trị thì vai trò của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh ở cơ sở mà công an xã làm nòng cốt là hết sức quan trọng”, ĐB Tô Văn Tám nêu.
ĐB Phạm Thị Xuân (Thanh Hóa) cũng quan tâm đến loại tội phạm gia tăng, diễn biến phức tạp, có tác động ảnh hưởng lớn đến xã hội đang có xu hướng gia tăng gần đây như tội phạm trong lĩnh vực thông tin viễn thông, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet, tình trạng phát tán tin nhắn rác để quảng cáo hoạt động cờ bạc, mại dâm, mua bán văn bằng, chứng chỉ giả, giả danh cơ quan bảo vệ pháp luật đe dọa yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản rồi chiếm đoạt… Những hành vi này đang rất quấy nhiễu cuộc sống của người dân. Do đó, ĐB đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, các bộ ngành liên quan tiếp tục tăng cường các biện pháp đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm trên. Tăng cường quản lý, kiểm soát đảm bảo an toàn, an ninh trên không gian mạng và có các giải pháp kịp thời để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Đặc biệt, ĐB Phạm Thị Xuân cũng cho rằng cần tiếp tục có các giải pháp quyết liệt, toàn diện hơn nữa, nhanh chóng xử lý nghiêm và dứt điểm các vụ việc đấu tranh hạn chế đến mức thấp nhất đối với tội phạm cưỡng dâm, dâm ô trẻ em.
Cùng chung quan tâm, ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) lo lắng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em đang có xu hướng gia tăng cao, diễn biến phức tạp và đáng báo động. “Đây là một trong những tội phạm rất nguy hiểm, không chỉ gây ra thiệt hại cho xã hội, làm băng hoại nền tảng đạo đức, mà còn gây ra tổn thương nặng nề về thể chất và tâm lý, rất khó khắc phục với nạn nhân”, ĐB phân tích. Do đó, ĐB kiến nghị cần xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, mạnh mẽ và hiệu quả, là công cụ hữu hiệu nhất trong hoạt động bảo vệ quyền trẻ em. Bên cạnh đó, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp, các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện, tăng mạnh các chế tài hình sự đối với hành vi xâm hại trẻ em nhằm tạo ra lá chắn pháp lý vững chắc, bảo vệ trẻ em trước hành vi xâm hại.
ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân cũng kiến nghị Bộ Công an, ngành tư pháp ở Trung ương và cấp tỉnh, hàng năm cần có kế hoạch liên tịch đào tạo, mở lớp tập huấn về kỹ năng lấy lời khai đối với người dưới 16 tuổi cho điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán để giải quyết các vụ án tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Phân công cán bộ, công chức có đạo đức, năng lực, có nhiều kinh nghiệm trong quá trình giải quyết vụ án liên quan đến trẻ em. Các ngành tư pháp cần xây dựng quy chế phối hợp trong công tác giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em, chủ động phối hợp để xác minh, thu thập chứng cứ, giám định, điều tra, truy tố, xét xử từ khi tiếp nhận thông tin trẻ em bị xâm hại. Trong đó quy định rõ thủ tục, quy trình và trách nhiệm phòng ngừa, phát hiện, tố giác, trợ giúp và giải quyết các trường hợp trẻ em bị xâm hại của các cơ quan nhà nước, của các tổ chức xã hội, nhà trường và gia đình.
Một số ý kiến ĐB cho rằng, cần quan tâm phân bổ nguồn lực xây dựng cơ sở, trang thiết bị, lực lượng cho các cơ quan tư pháp. ĐB Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) dẫn lại thảm họa chen lấn tại Hàn Quốc trong lễ hội Halloween vừa qua, ĐB cho rằng cần rà soát năng lực của lực lượng cảnh sát trong quản lý trật tự, đảm bảo an ninh khi tổ chức lễ hội tụ tập đông người ở những nơi có địa hình phức tạp. Đối với lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cũng cần đầu tư nguồn lực phù hợp để cải thiện hệ thống trang thiết bị chữa cháy, bảo hộ an toàn cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy, góp phần bảo đảm ứng phó tốt nhất trước các sự cố, hạn chế thiệt hại về người, đảm bảo an toàn đời sống người dân.