Sáng 15-6, tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Các ý kiến đại biểu (ĐB) tập trung thảo luận vào các nội dung như tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự án luật, các quy định về áp dụng pháp luật, điều tra cơ bản, hợp đồng dầu khí, nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, ưu đãi về dầu khí, quản lý nhà nước về dầu khí…
ĐB Đào Hồng Vận (Hưng Yên) và các ý kiến phát biểu đều nhất trí về việc cần thiết phải ban hành Luật Dầu khí (sửa đổi) nhằm góp phần thiết lập khung pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ để thúc đẩy phát triển hoạt động dầu khí, đặc biệt là khôi phục tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, tận thu không bỏ phí nguồn tài nguyên hóa thạch quốc gia, đồng thời đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Phát triển ngành dầu khí để phát triển kinh tế, gắn chặt với bảo vệ chủ quyền, lợi ích chính đáng Việt Nam trên biển, đặc biệt là chủ quyền biển, đảo phù hợp với luật pháp quốc tế.
ĐB Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) cho rằng, sửa luật phải đáp ứng yêu cầu đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế nhất là về năng lượng; bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên, chủ quyền quốc gia; tăng cường năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, tránh lợi ích cục bộ của các bộ, ngành.
Dự thảo luật cần phải giải quyết được xung đột, chồng chéo trong Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước. Trong đó, cần quy định rõ pháp luật nào được áp dụng đối với các nội dung về hoạt động dầu khí, vì điều tra cơ bản về dầu khí, về dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án luật này.
Cần bổ sung quy định liên quan đến lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí tương tự như quy định của Luật Dầu khí hiện hành, tinh thần của Luật Đấu thầu theo hướng đảm bảo nguyên tắc công bằng, cạnh tranh, minh bạch, quy định rõ pháp luật trong trường hợp hợp đồng dầu khí có sự tham gia của cả nhà thầu nước ngoài, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và doanh nghiệp 100% vốn của PVN để tránh chồng chéo.
ĐB Phan Đức Hiếu (Thái Bình) bày tỏ thống nhất cao với Chính phủ về mục tiêu sửa đổi Luật Dầu khí lần này tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và tư nhân trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trong bối cảnh hoạt động dầu khí ngày càng khó khăn, phức tạp và nhất là những khu vực nước sâu xa bờ, nhạy cảm về quốc phòng, an ninh trên Biển Đông. Do đó, sửa luật cần bảo đảm có được chính sách thu hút đầu tư, đảm bảo tính cạnh tranh trong khu vực và quốc tế nhưng trên cơ sở hài hòa giữa lợi ích quốc gia và nhà đầu tư.
Theo ĐB Phan Đức Hiếu, dự thảo Luật Dầu khí lần này bổ sung rất nhiều quy định để nhằm thúc đẩy hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí. Đồng thời nêu rất rõ mục tiêu Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đầu tư để tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí.
Tuy nhiên, dự thảo luật lại chưa quy định cụ thể về cơ chế khuyến khích. Thậm chí các chính sách ưu đãi đầu tư mới chỉ áp dụng cho hoạt động dầu khí, mà hoạt động dầu khí thì không bao gồm hoạt động điều tra cơ bản. Do đó, đề nghị nghiên cứu, xem xét áp dụng các biện pháp khuyến khích ưu đãi đầu tư đối với hoạt động điều tra cơ bản hay không. Trong trường hợp không áp dụng thì lên thiết kế ngay trong luật này những cơ chế, chính sách để áp dụng đối với hoạt động điều tra cơ bản. ĐB cũng lưu ý khi thiết kế chính sách này cần đặc biệt lưu ý đến chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu.
Cùng theo ĐB Phan Đức Hiếu, các chính sách ưu đãi đối với hoạt động dầu khí trong dự thảo luật hiện nay chỉ dừng lại ở thiết kế mức ưu đãi hơn về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế suất thuế xuất khẩu. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều những chính sách ưu đãi khác có thể nghiên cứu để xem xét nhằm đa dạng hóa các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư nước ngoài như cơ chế giảm trừ chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; hay giảm trừ thuế dựa trên chi phí… Những chính sách này vừa tạo ra ưu đãi cho nhà đầu tư, đồng thời thúc đẩy các nhà đầu tư đầu tư vào một số những hoạt động mà nước chủ nhà mong muốn.
ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng, dầu khí là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá và nếu xét về vai trò trong phát triển kinh tế, tài nguyên dầu khí chỉ đứng thứ hai sau đất đai, những đóng góp của ngành dầu khí thời gian qua là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, việc khai thác dầu khí là quá trình vô cùng khó khăn. Do đó, một trong những định hướng sửa đổi quan trọng là cần hình thành cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư nước ngoài. Đây là định hướng hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, cũng cần đề cao tính thận trọng bởi trên thực tế dầu khí là nguồn tài nguyên không tái tạo và trong những năm qua giá dầu khí luôn tăng cao.
ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cũng cho rằng, cần thiết kế dành riêng một chương về thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế về lĩnh vực dầu khí trong dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) lần này nhằm đáp ứng yêu cầu tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và khu vực tư nhân vào lĩnh vực dầu khí.
“Thực tế chúng ta đã có các quan hệ hợp tác với nước ngoài, thu hút đầu tư khu vực tư nhân, hoạt động dầu khí, kể cả đầu tư ra ngoài nước trong lĩnh vực dầu khí, liên doanh, liên kết khai thác, sản xuất, chế biến dầu khí. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa thể hiện rõ nét được quan điểm, chủ trương, chính sách này. Mặc dù một số nội dung có đề cập rải rác trong dự thảo luật nhưng còn rất đơn giản, chưa thể hiện được các quan hệ hợp tác quốc tế cũng như xã hội hóa đầu tư, liên doanh, liên kết trong lĩnh vực dầu khí”, ĐB Hoàng Đức Thắng phân tích.