Chiều 9-10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tổ chức Hội thảo góp ý dự án Luật Dữ liệu sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Hà Phước Thắng chủ trì hội thảo. Dự án Luật Dữ liệu có 7 chương, 67 điều.
Tại hội thảo, các đại biểu đồng tình đối với sự cần thiết của Luật Dữ liệu. Theo luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TPHCM), ở nước ta đã bước đầu và hình thành 7 cơ sở dữ liệu quốc gia nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Do đó, cần phải có Luật Dữ liệu để giải quyết các tồn tại vướng mắc và thống nhất những nguyên tắc chung về dữ liệu, cơ sở dữ liệu, cơ sở dữ liệu quốc gia.
Bên cạnh đó, các nước phát triển công nghệ đều có luật về dữ liệu; nhất là Đạo Luật Dữ liệu của Liên minh châu Âu áp dụng cho các nước với những quy tắc phân loại dữ liệu theo ngành và lĩnh vực.
Góp ý về Luật Dữ liệu, luật sư Trương Thị Hòa đề nghị bổ sung nội dung hợp tác quốc tế về dữ liệu, thực thi pháp luật về dữ liệu. Luật sư cho rằng, đây là vấn đề mà pháp luật về dữ liệu của các nước cần quy định để thực hiện liên kết về dữ liệu toàn cầu.
Cùng với đó, luật sư Trương Thị Hòa cũng đề nghị bổ sung biện pháp hợp tác quốc tế về kỹ thuật có liên quan đến xử lý và bảo vệ dữ liệu. Bà cho rằng, biện pháp này rất quan trọng trong tình hình phát triển công nghệ xuyên quốc gia, xuyên biên giới như hiện nay.
Góp ý thêm, ông Phạm Văn Hậu (đại diện Trung tâm An ninh mạng) đề nghị nên lấy ý kiến của các chuyên gia công nghệ liên quan tới cơ sở dữ liệu; đồng thời, tham chiếu tới các luật khác về hệ thống thông tin cần được bảo vệ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Thắng (đại diện SCTV) cho rằng, dữ liệu rất lớn; hiện nay dữ liệu âm thanh, hình ảnh thông qua AI cũng có thể tổng hợp phân tích. Vì thế, cơ quan chức năng nên tham chiếu tới các luật khác như bảo vệ an toàn ninh mạng, an toàn về dữ liệu để đưa ra các định nghĩa cụ thể hơn.