Tại phiên khai mạc của Quốc hội, trình bày thẩm tra báo cáo của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, với tác động của đại dịch Covid-19, năm 2020 Việt Nam chúng ta dự kiến có 8/12 chỉ tiêu đạt và vượt, GDP tăng trưởng dương (ước đạt trên 2%) là một điểm sáng trong khu vực và thế giới.
Cần báo cáo cụ thể hơn về tình hình nợ xấu
Về giai đoạn 2016-2020, sau 4 năm đầu thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu kế hoạch, năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát, cùng với ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu đã tác động nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến kết quả thực hiện một số chỉ tiêu. Theo đánh giá sơ bộ 5 năm, có 15 chỉ tiêu đạt và vượt, 4 chỉ tiêu không đạt. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, vững chắc; lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp, giá cả hàng hóa diễn biến tương đối ổn định; tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước GDP giai đoạn 2016-2019 đạt khá cao (bình quân 6,8%/năm).
Theo ông Vũ Hồng Thanh, công tác điều hành của Chính phủ tiếp tục có nhiều đổi mới, tập trung vào xử lý nhiều vấn đề kinh tế - xã hội khó khăn, thể hiện sự năng động, nhất quán, sâu sát, quyết liệt. Cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Việt Nam được đánh giá là nước cải thiện tốt nhất về năng lực cạnh tranh toàn cầu. Các lĩnh vực đều đạt kết quả tích cực.
Tuy nhiên, để nhìn nhận đầy đủ, toàn diện hơn kết quả đạt được và hạn chế của năm 2020 và 5 năm 2016-2020, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề. Cụ thể, về công tác triển khai chính sách, cần rà soát, đánh giá rõ hơn kết quả, tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ kinh tế, an sinh xã hội; làm rõ khó khăn, vướng mắc; nghiên cứu bổ sung các giải pháp thực hiện mục tiêu phòng, chống đại dịch Covid-19 và hỗ trợ phục hồi kinh tế những tháng cuối năm 2020 và giai đoạn tiếp theo.
Về thu - chi ngân sách Nhà nước, Ủy ban Kinh tế cho rằng, vượt thu ngân sách địa phương khá cao nhưng chủ yếu là từ vốn và đất đai; cơ cấu ngân sách Trung ương/ngân sách địa phương trong tổng mức bố trí nguồn chi đầu tư phát triển chỉ đạt 40/60, không đạt theo nghị quyết của Quốc hội. Thu từ 3 khối doanh nghiệp không đạt dự toán. Tỷ trọng chi thường xuyên đã giảm, tuy nhiên vẫn còn ở mức cao. Việc thực hiện định mức, tiêu chuẩn, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở một số địa phương còn hạn chế. Năm 2020, Ủy ban đề nghị đánh giá rõ thêm về khả năng thu, tình hình hụt thu và việc giảm chi theo quy định và mức bội chi hợp lý; những tác động đến nợ công, kinh tế vĩ mô.
Về lĩnh vực ngân hàng, việc triển khai cơ cấu lại các ngân hàng mua bắt buộc, việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 còn gặp khó khăn, vướng mắc. Cần báo cáo rõ hơn về tính hiệu quả của các chính sách hỗ trợ vốn tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động của các doanh nghiệp công nghệ tài chính. Năm 2020, đề nghị báo cáo cụ thể hơn về tình hình nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng; tình trạng một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng ưu đãi.
Về phát triển cơ sở hạ tầng, Ủy ban Kinh tế cho rằng, tốc độ phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng có phần chững lại; triển khai nhiều dự án còn chậm; chưa hoàn thành mục tiêu 2.000km đường bộ cao tốc; đường sắt, đường thủy chưa được quan tâm đúng mức. Hạ tầng đô thị lớn quá tải; hạ tầng nông thôn ở các tỉnh miền núi và vùng ĐBSCL, Đông Nam Bộ cần tiếp tục được quan tâm, đầu tư đúng mức; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công - tư còn hạn chế.
Có giải pháp để điều tiết giá sách giáo khoa
Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, lao động thất nghiệp tăng, quan hệ lao động có thể diễn biến phức tạp trong thời gian tới, cần được quan tâm, xử lý kịp thời. Chính phủ cũng cần phân tích kỹ hơn về những khó khăn của thị trường lao động theo các diễn biến dịch bệnh Covid -19, xu hướng chuyển đổi loại hình công việc trong bối cảnh mới.
Mặt khác, những ngày gần đây, mưa lũ kéo dài gây sụt lở tại các tỉnh miền Trung gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của nhân dân. Tình trạng ô nhiễm không khí, bụi mịn ảnh hưởng sức khỏe người dân một số thành phố lớn. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, giám sát thiên tai, bảo đảm kịp thời, đủ độ tin cậy, hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả sau thiên tai. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải vào các con sông gây ô nhiễm môi trường; báo cáo, làm rõ mức độ hoàn thành, hiệu quả của các nhóm giải pháp ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, nhất là đối với ĐBSCL; tình trạng hồ, đập chưa được sửa chữa, không bảo đảm an toàn; nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm, cạn kiệt.
Đối với một số định hướng lớn cho giai đoạn 2021-2025, đáng chú ý, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, để có cơ sở vững chắc, đề nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025 thận trọng; giải trình đầy đủ cơ sở khi áp dụng cách tính GDP mới và trình Quốc hội xem xét quyết định.
Song song đó, hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh hơn nữa tiến trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Tập trung xử lý dứt điểm cơ cấu lại các ngân hàng mua bắt buộc. Nâng cao quy mô và hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán.
Tập trung nguồn lực hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 1 dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; đầu tư các công trình giao thông trọng điểm theo quy hoạch; đưa vào vận hành an toàn các dự án nguồn điện và lưới điện theo đúng tiến độ. Xây dựng các công trình thủy lợi, hồ chứa nước trọng yếu, nhất là vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ. Tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là đồng bằng sông Cửu Long.
Đối với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ và đề nghị quan tâm thêm các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó bố trí nguồn lực và thực hiện giải pháp phù hợp về thuế, phí, lệ phí, khoanh nợ, giãn nợ… để tiếp tục duy trì và phục hồi hoạt động doanh nghiệp, giữ việc làm cho người lao động.
Tăng cường các chính sách, giải pháp để tạo việc làm mới cho giai đoạn hậu Covid-19. Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa và tài liệu giáo dục địa phương theo đúng lộ trình. Có giải pháp để điều tiết giá sách giáo khoa, bảo đảm nguyên tắc cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.
Chính phủ cần chủ động xây dựng chính sách phù hợp để tăng sức hút dòng vốn FDI chất lượng cao đang có xu hướng dịch chuyển từ các nước khác sang Việt Nam…