Tòa án Nhân dân tối cao vừa có công văn trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, liên quan đến hoạt động của ngành tòa án.
Đáng lưu ý, liên quan đến tình trạng cơ quan, chính quyền làm sai nhưng chậm bồi thường cho người dân bị thiệt hại dù đã có bản án của Tòa, TANDTC viện dẫn quy định tại điểm h, khoản 1, điều 311, Luật Tố tụng hành chính: "Quyết định về phần tài sản trong bản án, quyết định của tòa án được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự".
Công văn nêu trên lý giải, điều này có nghĩa là việc cơ quan, chính quyền làm sai phải bồi thường cho người dân theo quyết định của bản án hành chính hoặc bản án dân sự sẽ được thi hành theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.
Theo đó, Nhà nước khuyến khích các bên tự nguyện thi hành án, thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Hết thời hạn nói trên, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế.
Tuy nhiên, ghi nhận tình trạng cơ quan, chính quyền làm sai nhưng chậm bồi thường cho người dân bị thiệt hại dù đã có bản án và kiến nghị của cử tri có chế tài xử lý, Tòa án Nhân dân tối cao cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Quốc hội để xem xét, quy định khi sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự và các đạo luật có liên quan.
Trước đó, trong khuôn khổ phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 3-2023), khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc chậm bồi thường cho những người bị thiệt hại trong các vụ án oan, thậm chí nhiều trường hợp đã qua đời vì già yếu khi chưa kịp được giải quyết bồi thường, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, công tác bồi thường án oan, sai phải theo quy định của pháp luật và quy định pháp luật về vấn đề này hiện có những điểm chưa thống nhất về tính toán chi phí thiệt hại.