Đơn cử, nhiều luật có liên quan đến Luật Đấu thầu đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành sau khi Luật Đấu thầu được ban hành như: Luật Xây dựng, Luật Ngân sách nhà nước; Luật Doanh nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp…
Do đó, cần phải sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đấu thầu có liên quan đến các đạo luật này để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 vừa qua đã cho thấy rõ ràng hơn bao giờ hết yêu cầu phải sửa đổi bổ sung quy định của pháp luật đấu thầu để đáp ứng đòi hỏi cấp bách trong việc mua sắm phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh; cải tiến quy trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư nhằm góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, sớm đưa công trình vào khai thác, kịp thời phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Một điểm quan trọng khác, vốn rất tiến bộ trong Luật Đấu thầu so với trước đó, là đấu thầu qua mạng. Trải qua giai đoạn thử nghiệm (từ năm 2009 đến 2013) và triển khai chính thức (từ 2014 đến nay), đấu thầu qua mạng đã đem lại những kết quả ấn tượng.
Đặc biệt, năm 2020, số lượng gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng tăng hơn 2,4 lần so với năm 2019, tổng giá trị các gói thầu tăng hơn 2,5 lần (đạt 303.236/120.321 tỷ đồng). Chỉ riêng trong năm 2020, đấu thầu qua mạng giúp tiết kiệm khoảng 1.725 tỷ đồng chi phí hành chính trực tiếp, trong đó, số chi phí hành chính mà nhà thầu tiết kiệm được lên tới 1.225 tỷ đồng…
Tuy nhiên, Luật Đấu thầu mới chỉ có các quy định mang tính nguyên tắc về việc thực hiện đấu thầu qua mạng; quy trình chi tiết thực hiện đấu thầu qua mạng được giao cho Chính phủ và Bộ KH-ĐT hướng dẫn chi tiết.
Do đó, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy trình về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh của luật, đồng thời rút ngắn thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, giảm các thủ tục hành chính không cần thiết trong đấu thầu; luật hóa các quy định về đấu thầu qua mạng nhằm thúc đẩy mạnh hơn nữa hoạt động này.
Thực tiễn vừa qua cũng cho thấy, tình trạng vi phạm pháp luật về đấu thầu nhìn chung có chiều hướng giảm, nhưng hành vi “thông thầu” vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi ở không ít dự án, gói thầu, trong khi Luật Đấu thầu hiện chưa quy định đầy đủ về quy trình kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, đặc biệt là công tác kiểm tra kết quả thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Hơn nữa, luật cũng chỉ tập trung quy định về chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm của nhà thầu, nhà đầu tư mà chưa có quy định cụ thể về chế tài xử lý vi phạm đối với bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền (là các bên quan trọng trong việc quyết định đến tính hiệu quả, minh bạch trong đấu thầu)…
Dự kiến, dự thảo luật sẽ trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3. Với nhiều bất cập đang tồn tại, có lẽ, dự luật này cần phải sửa đổi toàn diện chứ không chỉ “sửa đổi, bổ sung một số điều”.