Những lằn ranh mong manh
Triển lãm cá nhân của họa sĩ Đ.Q. đang diễn ra tại một không gian trưng bày nghệ thuật (phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM), 15/21 tranh trưng bày đã được bán trước khi khai mạc vài giờ. Bức tranh “Góc khuê phòng” của họa sĩ Q. khiến người trong giới dấy lên nghi vấn “ý tưởng lớn gặp nhau”, khi nội dung, bố cục tranh giống một phân cảnh trong dự án phim Cố Du của đạo diễn Nguyễn Phùng Minh Luân (ra mắt vào tháng 12-2019). Nhìn qua có thể thấy, tranh và cảnh phim giống nhau khó chối cãi, từ dáng cửa sổ, nguồn sáng, chiếc rương gỗ đựng áo, bình hoa, cả bộ bình phong phía sau cũng có cấu trúc tương tự.
Tranh chép hay tranh nhái là câu chuyện không lạ trong giới hội họa, tuy nhiên vụ việc trên gần như chưa có tiền lệ. Trên trang cá nhân của mình, đạo diễn Nguyễn Phùng Minh Luân chia sẻ: “…Toàn bộ cảnh quay này được tôi lên ý tưởng và cũng được tôi thiết kế, dàn dựng, bằng cả đồ cổ kết hợp với công nghệ CGI (tạm dịch: công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng phần mềm trên máy tính), không phải cảnh trí có sẵn ở một ngôi nhà cổ nào đó.
Tôi cũng nhiều lần nhắc đến ranh giới mong manh giữa inspiration (cảm hứng nghệ thuật) và imitation (sự bắt chước), cũng như tư duy của người nghệ sĩ khi sáng tạo nghệ thuật, nhưng đáng tiếc, những điều như vậy vẫn nhan nhản xảy ra”. Với vụ việc này, sẽ rất khó áp dụng luật bản quyền, bởi những lằn ranh sáng tạo quá mong manh. Và người làm nghệ thuật không khắt khe trong khái niệm reference (tham khảo), tuy nhiên bản lĩnh nghệ sĩ nằm ở chỗ rạch ròi và tử tế khi làm nghề.
Khi nghệ sĩ sáng tác dựa trên một sự vật, sự việc có trong thực tế cuộc sống và họ không nắm rõ thông tin về sự vật, sự việc đó (ví dụ như chiều cao, kích thước, chất liệu, chi tiết cấu tạo...), thì họ thường lấy thông tin, hình ảnh từ các nguồn khác để tham khảo hoặc quan sát, ghi nhận trực tiếp từ thực tế. Và khi yêu thích phong cách cũng như nội dung tác phẩm của nghệ sĩ khác, người làm sáng tạo có thể học hỏi cách thức tạo nên tác phẩm từ nghệ sĩ đó, nhưng phải dựa trên ý tưởng của chính mình. Ý tưởng đó có thể được lấy cảm hứng từ tác phẩm của người khác, nhưng phải được kết hợp, thay đổi, làm mới, biến tấu khác đi để trở thành cái riêng của mình.
“Bệnh” chưa có thuốc
Họa sĩ Bùi Văn Tuất cũng vừa thông qua trang cá nhân và bạn bè, chia sẻ thông tin để các nhà sưu tập không bị nhầm lẫn khi giao dịch. Một bức tranh sơn mài (1,2m x 2,35m, 3 tấm ghép lại) chưa rõ tác giả, được rao bán tại một phòng tranh trên phố Trần Hữu Tước (Hà Nội) được cho là đồ cổ, bức tranh có nhiều vết nứt trên vóc.
Chuyện cổ hay cũ không phải là vấn đề, đáng nói chính là nội dung bức tranh có bố cục giống đến 90% tác phẩm “Một ngày như thế”, được họa sĩ Bùi Văn Tuất trưng bày trong triển lãm cá nhân “Tuổi thơ như thế” vào năm 2018 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, và sau đó đã có nhà sưu tập mua.
“Tôi khẳng định rằng, bức tranh của tôi được vẽ bằng chất liệu sơn dầu trên vải là duy nhất, không có phiên bản thứ 2 với bất kỳ chất liệu nào, thậm chí không có cả phác thảo cụ thể. Tôi có đủ cơ sở để minh chứng cho lời khẳng định của mình, đó là những bức ký họa nhỏ, ảnh tư liệu tôi đã chụp”, họa sĩ Bùi Văn Tuất nói.
Vì thế, chuyện xuất hiện bức tranh giống 90% tác phẩm của ông là những phiền phức gây mệt mỏi, không chỉ cho họa sĩ mà cho cả công chúng và các nhà sưu tập. Theo ông, dù giao dịch đó chưa hoàn tất, nhưng cũng là một dấu hiệu không tích cực đối với những người yêu nghệ thuật.
Họa sĩ Bùi Văn Tuất mất 3 năm để hoàn thành tác phẩm “Một ngày như thế”, nhưng tranh bị chép thì chỉ một sớm một chiều. Nhìn qua dễ thấy, phần màu sắc trên bức tranh sơn mài còn khá vụng về, nhiều chi tiết vẽ người rất sơ sài.
Nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật và sưu tập tranh nhìn nhận, có nhiều lý do để tranh chép như một loại “bệnh” chưa có thuốc, một trong số đó là trình độ am hiểu trong giới chơi tranh chưa nhiều. Không ít người mua theo cảm tính mà không tìm hiểu kỹ tác phẩm cũng như người sáng tác, nên trò lập lờ đánh lận con đen rất dễ qua mắt những khách hàng như vậy.
Câu chuyện như họa sĩ Bùi Văn Tuất đang gặp không phải là ngoại lệ, thậm chí tranh Việt trên sàn đấu giá quốc tế rớt giá cũng vì lý do này. Còn giới họa sĩ có tranh bán được đành ngao ngán lắc đầu, có người chỉ giao dịch với các nhà sưu tập ở xưởng vẽ riêng, rất hiếm khi mang tác phẩm đi triển lãm hay chia sẻ lên mạng xã hội đề tránh trường hợp “ý tưởng lớn gặp nhau” đến 80%, 90%.
Trong câu chuyện bức tranh “Góc khuê phòng” của họa sĩ Đ.Q., sẽ không có vấn đề gì, nếu phần chú thích tác phẩm có thêm dòng credit (tạm dịch: dẫn lại nguồn tham khảo). |