Bởi chỉ với 2 điểm “gai góc” là khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái đã cần tới gần 20.000 tỷ đồng… Điều đáng nói, với những nỗ lực như vậy nhưng tình trạng ùn tắc giao thông tại TPHCM vẫn diễn biến phức tạp. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Minh Trí, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, xung quanh vấn đề trên.
Thực hiện ngay các giải pháp căn cơ
- Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, TPHCM đang “chạy theo” để giải quyết ùn tắc giao thông. Cứ thấy ùn tắc ở đâu thì xây cầu vượt, hầm chui, điều chỉnh giao thông, trong khi bản chất của vấn đề là sự quá tải. Thực tế chứng minh với nhiều tuyến đường mới mở, cầu vượt mới xây đã chật cứng phương tiện lưu thông. Chính vì vậy, tốn nhiều tiền mà không giải quyết căn cơ được tình trạng ùn tắc giao thông. Ông nghĩ sao về nhận định này?
>> Ông Hoàng Minh Trí: Theo tôi, nhận định như vậy là không chính xác. Nếu không đầu tư mở đường, xây cầu vượt để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất thì không những giao thông bị ảnh hưởng mà còn liên đới tới nhiều hoạt động khác của thành phố như thu hút đầu tư, phát triển du lịch… Không giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông khu vực cảng Cát Lái sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, đặc biệt là xuất nhập khẩu. Hay không xây thêm các nhánh cầu Nguyễn Văn Cừ, Chánh Hưng nối vào đường Võ Văn Kiệt thì việc đi lại của người dân quận 5, quận 8 sẽ gặp rất nhiều khó khăn… Tuy nhiên, phải nói đây chỉ là những giải pháp tình thế nhằm giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông trong giai đoạn hiện tại và thời gian ngắn tới đây. Khi dân số tăng lên - điều tất yếu vì TPHCM đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ và là trung tâm kinh tế của cả nước - những cầu vượt, hầm chui kia sẽ nhanh chóng bị quá tải. Chính vì vậy, bên cạnh các giải pháp trước mắt, TPHCM cần triển khai các biện pháp chống ùn tắc giao thông dài hạn, căn cơ hơn.
- Theo ông, đó là những giải pháp gì?
Từ hơn 10 năm trước, để thực hiện chương trình giảm ùn tắc giao thông, bên cạnh giải pháp tình thế, TPHCM đã xác định rất rõ những giải pháp dài hạn nhằm giải quyết căn cơ tình trạng ùn tắc giao thông. Đó là quản lý hiệu quả việc sử dụng xe cá nhân, phát triển các trung tâm cấp thành phố ở 4 hướng, xây dựng các đô thị vệ tinh để giãn dân ra ngoại thành, xây dựng hệ thống đường vành đai để hạn chế phương tiện đi xuyên vào trung tâm thành phố… Theo tôi, đến nay tất cả những giải pháp này vẫn còn nguyên giá trị. Thời gian qua, vì nhiều lý do, TPHCM gần như chưa triển khai được các giải pháp có tính chất căn cơ này nên tình trạng ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp thêm như vậy. Bây giờ, dù đã muộn nhưng TPHCM phải quyết tâm triển khai cho được các giải pháp này mới mong thay đổi được tình hình.
Ưu tiên vốn vay ưu đãi
- Trong bối cảnh kinh phí đầu tư hệ thống giao thông “thiếu trước, hụt sau”, ngay cả chi phí để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trước mắt cho khu vực nội đô đã không đủ, làm sao có tiền xây dựng đường vành đai, phát triển hệ thống giao thông các đô thị vệ tinh để giãn dân ra? TPHCM hiện chỉ có một đường Vành đai 2 mà gần chục năm nay còn chưa có tiền để khép kín…
Đây là thách thức rất lớn đối với công tác chống ùn tắc giao thông của thành phố. Lãnh đạo TPHCM đã nhiều lần báo cáo tình hình này với Chính phủ và đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có nhiều chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn như cho thành phố được kêu gọi đầu tư hạ tầng kỹ thuật khung đô thị bằng nhiều giải pháp linh hoạt (giảm kinh phí chuyển mục đích sử dụng đất, ưu đãi giảm thuế đầu tư các công trình trọng điểm…). Tuy nhiên, chuyển động của các giải pháp này cũng gặp nhiều trở ngại, đặc biệt là vướng các quy định liên quan đến luật. Để điều chỉnh luật, chỉ có Quốc hội mới có đủ thẩm quyền…
- Như vậy, TPHCM vẫn phải chờ?
Trước mắt, với những vấn đề, quy định trong thẩm quyền của Chính phủ, TPHCM phải xúc tiến làm việc gấp với các bộ, ngành để tháo gỡ. Trong bối cảnh nguồn ngân sách để lại cho thành phố bị cắt giảm, Chính phủ phải ưu tiên dành các nguồn vốn ưu đãi để TPHCM phát triển hệ thống giao thông; đặc biệt là xây dựng hệ thống đường vành đai, đường kết nối các khu đô thị vệ tinh… Thủ tục đầu tư, nhất là vấn đề liên quan đến kỹ thuật nên giao TPHCM chủ động thực hiện bởi thành phố có đủ đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ để làm. Ví dụ như quy định thiết kế cao ốc cao từ 22 tầng trở lên phải do Bộ Xây dựng phê duyệt, cần được xóa bỏ. Tiết kiệm thời gian thực hiện thủ tục cũng là tiết kiệm được chi phí đầu tư. Đối với các quy định liên quan đến luật, một mặt TPHCM cùng Chính phủ khẩn trương đề xuất Quốc hội xem xét, điều chỉnh cho phù hợp; mặt khác, đại biểu Quốc hội TPHCM cũng phải có ý kiến để đẩy nhanh quá trình giao quyền tự chủ hơn nữa cho thành phố.
Nếu TPHCM không được chủ động hơn nữa, không được Chính phủ hỗ trợ hơn nữa, sẽ rất khó giải quyết được căn cơ tình trạng ùn tắc giao thông.