Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về tình trạng dùng đầu số ảo, web nhái... để lừa đảo trên không gian mạng hiện nay?
Ông Ngô Trần Vũ: Ứng dụng công nghệ thật sự đã giúp thuận tiện và hiệu quả hơn cho công việc của mỗi người, doanh nghiệp, tổ chức. Tuy nhiên, các ứng dụng, đặc biệt liên quan đến dịch vụ, thương mại đang khai thác thông tin khách hàng và thói quen mua sắm liên tục. Một số ứng dụng còn khai thác quá mức thông tin khách hàng, “tấn công” bằng quảng cáo, thậm chí xảy ra hiện tượng lừa đảo là thực tế hiện nay. Tôi nghĩ rằng, mặt trái của công nghệ không dễ dàng giải quyết được bằng các quy định của luật pháp mà rất cần sự hiểu biết của người dùng công nghệ.
Là một đơn vị chuyên cung cấp các giải pháp bảo mật, theo ông, công nghệ để bảo vệ người dùng online hiện nay đủ hay chưa?
Công nghệ bảo mật luôn có sẵn và dễ sử dụng nhưng số đông người dùng không chủ động bảo mật. Ví dụ, khi bắt đầu sử dụng thiết bị mới, người dùng phải cài đặt các phần mềm bảo mật để đảm bảo an toàn nhưng thực tế không được như vậy, người dùng thường sử dụng phần mềm bảo mật sau khi xảy ra sự cố và mất thông tin dữ liệu. Cần tiếp tục cảnh báo để người dùng nhận biết các nguy cơ, chủ động hơn về bảo mật.
Dự báo các xu hướng lừa đảo hiện nay là cần thiết, nhưng giải pháp, lời khuyên của công ty bảo mật thường đưa ra sau khi hành vi lừa đảo đã xảy ra?
Tôi cho rằng xu hướng lừa đảo luôn nguy hiểm, nhiều hacker vẫn tìm cách vượt qua các công nghệ bảo mật hiện có; thách thức này thúc đẩy công nghệ bảo mật tiến bộ nhanh hơn. Hiện rất hiếm xảy ra các đợt tấn công lớn của hacker, như đợt tấn công bằng ransomware mã hóa dữ liệu người dùng xảy ra năm ngoái là ví dụ. Nhưng, ngay cả khi các hãng bảo mật công bố công nghệ bảo vệ người dùng chống lại virus mã hóa hay cảnh báo lừa đảo thì tỷ lệ sử dụng bảo mật và ý thức cảnh giác của người dùng vẫn không cao.