Báo cáo tại Hội nghị, Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban Quản lý ATTP cho biết, trong một năm thí điểm, ban đã thành công trong việc chuyển giao công việc từ các sở, ngành để không tồn tại khoảng trống trong quá trình chuyển giao; đồng thời xây dựng được chương trình kế hoạch hành động, bắt tay vào việc ngay, thể hiện ưu điểm của một đầu mối quản lý như hình thành mạng lưới quản lý ATTP phủ khắp 24 quận huyện và chợ đầu mối; phối hợp với hệ thống liên ngành sẵn có của địa phương giám sát, kiểm tra thường xuyên đối với các doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Công tác cấp phép về một đầu mối đã tạo thuận lợi cho người hành nghề và nhất quán trong kiểm soát, hoàn thiện chính sách. Hệ thống và quy trình xử lý ngộ độc thực phẩm được hoàn thiện. Công tác tập huấn, truyền thông được đẩy mạnh có trọng điểm và chủ động kịp thời. Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, tăng cường phối hợp với các địa phương, các hội nghề nghiệp để bảo đảm giám sát hiệu quả, cùng hỗ trợ cho nông sản sạch….
Cụ thể, trong một năm qua Ban Quản lý ATTP tổ chức lấy 3.649 mẫu thực phẩm để giám sát nguy cơ và 1.464 mẫu thực phẩm để tiến hành phân tích kiểm nghiệm nhằm phát hiện các mối nguy ô nhiễm đối với các thực phẩm có nguy cơ cao.
Ban cũng đã thực hiện kiểm tra ATTP đối với 967 cơ sở, phát hiện 174 cơ sở vi phạm với số tiền xử phạt hơn 2,5 tỷ đồng, thu hồi tiêu hủy gần 50.000 kg thực phẩm mất an toàn.
Song song với chống thực phẩm bẩn, Ban Quản lý ATTP cũng đã chú trọng xây dựng, phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn nhằm mang đến cơ hội lựa chọn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Đến nay, Ban đã cấp 174 giấy chứng nhận cho 79 trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh vào chuỗi thực phẩm an toàn thuộc địa bàn TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Thuận với tổng sản lượng trên 91.000 tấn/năm.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đánh giá cao những kết quả mà Ban Quản lý ATTP đã làm được trong một năm qua, chứng minh được chủ trương của UBND đề xuất Chính phủ thành lập ban là đúng đắn.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến mong muốn, trong thời gian tới, Ban Quản lý ATTP cần phát huy hiệu quả các mô hình mới, cách làm hay nhằm kiểm soát ATTP cho người dân TP; thực hiện theo chiều sâu các kế hoạch về xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn trên cơ sở sắp xếp kiện toàn bộ máy, tăng cường các nguồn lực, tập trung cải cách hành chính và đẩy mạnh truyền thông.
“Cần tạo các vệt thông tin tuyên truyền, chuẩn hóa năng lực cán bộ; kiên quyết trong xử lý các vụ vi phạm về ATTP; tập huấn nâng cao trình độ, xây dựng đạo đức nghề nghiệp chống tiêu cực trong quá trình quản lý kiểm tra ATTP. Đặc biệt, để người dân TP an toàn về thực phẩm cần có sự đồng thuận tốt của các cơ quan quản lý thường xuyên giám sát; doanh nghiệp sản xuất chế, biến phải có lương tâm, trách nhiệm và người dân cần phải tỉnh táo lựa chọn”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh.