Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, qua rà soát tổng số lượng cát cần dùng cho 2 cao tốc gồm: cao tốc trục dọc Cần Thơ – Cà Mau và cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng là 39 triệu m3. Trong đó, nhu cầu sử dụng cát san lấp lớn nhất là trong giai đoạn 2023 - 2024, cụ thể giai đoạn năm 2023 cần 16 triệu m3, năm 2024 cần 23 triệu m3.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm thông tin: Dự kiến, đầu năm 2023 dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau sẽ chính thức khởi công, sau đó đến tháng 6-2023 dự án Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng cũng sẽ khởi công. Công tác giải phóng mặt bằng 2 cao tốc trên đến nay cơ bản đảm bảo kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm, lo ngại hiện nay là nguồn cát san lấp phục vụ cho cao tốc. Từ đặc thù yếu tố địa chất tại khu vực ĐBSCL là nền đất yếu, quá trình gia cố nền hạ là rất quan trọng, nếu không có cát sẽ không thể triển khai, dẫn đến nguy cơ dự án kéo dài, phát sinh đội vốn.
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng qua địa bàn có chiều dài 57,4km, tổng nhu cầu cát dự kiến khoảng 3 triệu m3, tỉnh cũng đã bố trí đủ. Ngoài ra, đối với dự án cao tốc này tỉnh cũng đã thống nhất chủ trương hỗ trợ Cần Thơ 2,7 triệu m3, Hậu Giang 3,3 triệu m3 thực hiện dự án. Để thực hiện việc hỗ trợ này, 2 địa phương Cần Thơ và Hậu Giang cần có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thiếu cát để làm cơ sở triển khai hỗ trợ.
Đại diện tỉnh Đồng Tháp, ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, năm 2022, trữ lượng khai thác cát toàn tỉnh là hơn 7 triệu m3, trong khi nhu cầu sử dụng cát cho các dự án đầu tư công trên địa bàn là 13,6 triệu m3. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần khoảng 6 triệu m3 để triển khai 2 dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu và Cao Lãnh - Mỹ An. Từ thực tế trên, tỉnh Đồng Tháp rất khó đối ứng nguồn cát cho các dự án cao tốc.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, qua khảo sát trên Sông Hậu, đoạn qua địa bàn tỉnh cho thấy hiện có 12 mỏ có cát, trong đó có 2 mỏ đang xin gia hạn khai thác (trữ lượng khoảng 3 triệu m3), 5 mỏ có trữ lượng 2,5 triệu m3, 5 mỏ còn lại chưa đánh giá. Theo ước tính, nhu cầu sử dụng cát cho dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng, đoạn qua địa bàn tỉnh dài 58,4km là khoảng 6,7 triệu m3, dự án cầu Đại Ngãi cần 2 triệu m3. Qua chủ động rà soát, đánh giá, tỉnh đảm bảo nguồn cung cát cho các dự án này.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh còn có hơn 13 tỷ m3 cát biển, trong đó có hơn 1 tỷ m3 gần bờ, độ mặn thấp, rất tiềm năng cho khai thác sử dụng. Nếu được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ ngành vào cuộc khảo sát, đánh giá, thử nghiệm thành công thì nguồn cát biển này sẽ đảm bảo cung ứng vật liệu san lấp cho các công trình trọng điểm quốc gia của cả vùng ĐBSCL trong tương lai.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Quý Kiên cho rằng, các địa phương cần có sự đồng thuận, chia sẻ, hỗ trợ khó khăn với nhau trong vấn đề nguồn cung cát phục vụ các dự án cao tốc trong vùng. Đây là những dự án lớn, trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa rất lớn đến toàn vùng, vì thế 13 tỉnh thành ĐBSCL cần hướng đến mục tiêu, khát vọng chung của 18 triệu người dân.
Thứ trưởng Bộ TN-MT cho biết, tiềm năng của cát biển là rất lớn, thế nhưng nhanh nhất cũng phải đến năm 2024 mới có thể khả thi đưa vào sử dụng. Vì chúng ta phải trải qua quá trình đánh giá, thử nghiệm thận trọng. Do đó, các địa phương cần chủ động có kế hoạch đảm bảo nguồn cung cát cho các dự án cao tốc, trong đó kế hoạch phải xem xét theo từng năm, từng giai đoạn cụ thể.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Quý Kiên đề nghị, các địa phương ĐBSCL cần triển khai kiểm tra, rà soát, đánh giá chính xác trữ lượng cát hiện có, nhu cầu sử dụng thực tế của từng địa phương. Để từ đó, tính toán, cân đối đảm bảo nguồn cung cát cho các dự án cao tốc trong vùng. Trong quá trình thực hiện, nếu gặp vướng mắc, khó khăn cần có văn bản cụ thể, gửi trực tiếp đến các bộ ngành để được giải đáp kịp thời.