Trên thực tế, vấn đề lập lại trật tự kỷ cương đường phố không phải đến bây giờ mới được chú ý, bởi từ đầu năm 2012, UBND TPHCM đã đề ra kế hoạch thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Đáng chú ý là kế hoạch tổng thể gồm một loạt biện pháp để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng ùn tắc giao thông. Đó là lập lại trật tự, kỷ cương đường phố; bố trí lệch giờ làm việc, giờ học tập; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình giao thông; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, bảo đảm khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu; nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải hành khách công cộng...
Các biện pháp ấy đều quan trọng, cần thiết và gần như giữa chúng có mối quan hệ hỗ tương, cái này tác động xa gần đến cái kia, không có biện pháp nào thứ yếu, nhưng quan trọng là sự đa dạng và linh động khi triển khai từng biện pháp trong thực tế. Điều này đến nay vẫn còn nóng hổi tính thời sự.
Điều rõ ràng là giao thông đi lại trên địa bàn thành phố đã và đang là vấn đề gây bức xúc cho người dân, làm đau đầu cơ quan chức năng. Bên cạnh các giải pháp công trình và phi công trình cũng cần đến sự hỗ trợ, phối hợp từ nhiều phía, nhiều cơ quan chức năng khác. Ngoài Sở GTVT, công tác lập lại và đảm bảo trật tự an toàn giao thông nói chung, kiểm soát các điểm nóng ùn tắc giao thông nói riêng rất cần đến sự giúp sức, phối hợp từ các thành phần khác như công an thành phố, chính quyền các quận huyện, Sở TT-TT, Thành đoàn…
Lấy ví dụ phần trách nhiệm và đóng góp từ chính quyền các quận huyện trong giải quyết tệ trạng lấn chiếm lòng lề đường, chợ tự phát… Tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, đặc biệt về ban đêm, để kinh doanh hàng quán, vui chơi giải trí, chợ tự phát, một mặt choáng lối đi dành cho khách bộ hành, mặt khác gây mất trật tự an toàn giao thông khu vực. Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông thành phố, nói rằng, trong vấn đề này, trách nhiệm chính thuộc về chính quyền các quận huyện và vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương là rất quan trọng.
Một yếu tố khác cũng lặng lẽ tác động, gây ra tình trạng ùn tắc giao thông, đó là việc bị chi phối bởi những yếu tố khách quan, đòi hỏi cách giải quyết tổng thể. Có thể nhắc đến vấn đề phát triển đô thị tập trung quá cao ở khu vực trung tâm thành phố, đã làm mất cân đối giữa quy mô phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Không những tập trung mật độ dày đặc ở khu vực trung tâm, tình trạng nhiều hạng mục công trình, tụ điểm thu hút đông người lui tới nhưng lại được quy hoạch, cấp phép đặt để tại mặt tiền ở những nút giao, vốn dĩ sầm uất người xe cũng là điều cần phải xem lại.
Có thể nói, công tác quy hoạch và chỉnh trang phát triển đô thị đòi hỏi phải có cách làm mới, nếu muốn góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên toàn địa bàn thành phố. Việc xử lý, kiểm soát các vị trí, khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông sẽ có vai trò nhất định, nếu không muốn nói là vai trò quan trọng, trong việc triển khai thực hiện Nghị Quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ X về Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016-2020.