Bác sĩ Truyện đã viết trên trang Facebook cá nhân, thẳng thắn đưa ra lời “khuyên” Bộ trưởng Bộ Y tế nên nghỉ, đồng thời “chê” Bộ trưởng Y tế không về cơ sở nên không biết nỗi khổ của y, bác sĩ tuyến dưới và yếu kém trong công tác tham mưu vấn đề an ninh ở bệnh viện. Những gì bác sĩ Truyện chia sẻ, bộc bạch nói trên không có bất cứ lời lẽ, con chữ nào xúc phạm, xâm hại tới đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, danh dự và uy tín của Bộ trưởng Y tế, cũng như gây ảnh hưởng tới ngành y tế. Trong khi đó, mỗi công dân đều có quyền bày tỏ quan điểm, ủng hộ hoặc không ủng hộ ai đó làm lãnh đạo hoặc giữ chức vụ nào đó trong tổ chức.
Thế nhưng, Chánh văn phòng Bộ Y tế đã ngay lập tức có công văn thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Y tế gửi Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị phối hợp với công an khẩn trương kiểm tra và xác minh người viết nội dung trên Facebook vì cho rằng bôi nhọ, gây mất uy tín, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người đứng đầu ngành y tế; ảnh hưởng uy tín ngành nói chung và tạo dư luận xấu, gây hoang mang, giảm sút niềm tin của người dân với cá nhân bộ trưởng.
Trong công văn, Bộ Y tế còn chốt lại trong trường hợp tài khoản này của cán bộ công tác trong ngành y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế, đề nghị Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế có biện pháp kiểm điểm và xử lý theo quy định của Bộ TT-TT.
Ngay sau khi nhận được “trát” từ Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng Sở TT-TT đã cùng vào cuộc xác minh và ra quyết định xử phạt hành chính 5 triệu đồng đối với bác sĩ Truyện; còn Sở Y tế Thừa Thiên - Huế tiến hành kỷ luật khiển trách bác sĩ Truyện.
Rõ ràng, quyết định xử phạt và kỷ luật bác sĩ Truyện hoàn toàn không nhận được sự đồng tình của dư luận, thậm chí còn gây bức xúc và phẫn nộ trước cách hành xử không đẹp và trịch thượng của lãnh đạo Bộ Y tế khi nhận được góp ý trái chiều từ cấp dưới, từ cơ sở. Cũng cần phải nói rằng, Bộ trưởng Bộ Y tế là một trong những thành viên đầu tiên của Chính phủ có Facebook cá nhân để tiếp nhận và chia sẻ thông tin với cộng đồng, nên ý kiến trên Facebook của bác sĩ Truyện là một thông tin chính thức và rất thẳng thắn. Thế nhưng, tại sao khi nhận được ý kiến nói về mình của một cán bộ trong ngành, Bộ trưởng Bộ Y tế lại không đối thoại thẳng thắn với bác sĩ Truyện, hoặc thực hiện một chuyến “vi hành” về Phong Điền để lắng nghe cấp dưới của mình? Còn Sở Y tế và Sở TT-TT Thừa Thiên - Huế dựa vào quy định nào đề xử phạt và kỷ luật bác sĩ Truyện? Đáng thất vọng và bất bình hơn sau sự việc bác sĩ Truyện bị kỷ luật vì dám nói thẳng thì đại diện Bộ Y tế khi trả lời báo chí lại đổ hết trách nhiệm cho Sở Y tế và Sở TT-TT Thừa Thiên - Huế, khi cho rằng Bộ Y tế chỉ có công văn yêu cầu địa phương xác minh làm rõ thông tin “chê” lãnh đạo Bộ Y tế, chứ không yêu cầu kỷ luật.
Đối với mỗi cán bộ, công chức, nhất là những người giữ vị trí lãnh đạo, để làm tốt công việc, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó không chỉ có sự nỗ lực của bản thân mà phải biết cầu thị, lắng nghe các ý kiến khen chê để tự điều chỉnh và hoàn thiện mình hơn. Hơn nữa, trong bối cảnh ngành y tế còn đang có nhiều vấn đền tồn tại, bức xúc thì việc “tư lệnh” ngành y tế, cũng như lãnh đạo các bệnh viện, cơ sở y tế biết lắng nghe tiếp thu ý kiến góp ý, kể cả những ý kiến trái chiều từ dư luận, từ cấp dưới và cán bộ nhân viên trong ngành sẽ có tác dụng tích cực hơn trong nỗ lực thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của bệnh nhân.