Theo Hội đồng Đại Tây Dương, tính tới tháng 12-2023, có 32/60 quốc gia đã chính thức hợp pháp tài sản mã hóa. Đặc biệt, 10 quốc gia trong nhóm G20 (chiếm 50% GDP toàn cầu) đều đã chính thức ban hành quy định quản lý VA và VASP.
Tại Việt Nam, tính tới thời điểm hiện tại đã có 18 văn bản liên quan đến VA-VASP được ban hành. Đáng chú ý là Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 23-2-2024 do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt nhằm đưa Việt Nam ra khỏi "danh sách xám" của Lực lượng đặc nhiệm tài chính toàn cầu (FATF).
Ông Đỗ Việt Cường, Chánh Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thừa Thiên Huế, cho biết việc nằm trong "danh sách xám" sẽ ảnh hưởng rất nhiều các vấn đề tài chính tiền tệ, gây khó khăn trong thu hút đầu tư nước ngoài và hợp tác kinh tế quốc tế.
“Chi phí giao dịch cũng sẽ tăng cao do các tổ chức tài chính quốc tế tăng cường giám sát và kiểm tra các giao dịch của Việt Nam. Việc tiếp cận nguồn vốn cũng sẽ khó khăn hơn do các tổ chức tài chính quốc tế hạn chế cho vay hoặc đầu tư vào Việt Nam. Cụ thể hơn, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, mỗi quốc gia nằm trong "danh sách xám" có nguy cơ thiệt hại khoảng 7,6%GDP”, ông Cường cho hay.
Theo ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), việc ban hành một chính sách hoàn chỉnh cho VA-VASP phù hợp tại thời điểm này là một bài toán khó vì các chính sách này sẽ cần sự phối hợp của nhiều ngành nghề, lĩnh vực.
Ông Trung cho biết thêm, trong thời gian tới, Hiệp hội Blockchain Việt Nam sẽ tích cực trao đổi với các cơ quan, bộ ngành làm cơ sở cho xây dựng khung khổ pháp lý quản lý tài sản ảo nhằm phòng chống rửa tiền.