Ông Nguyễn Văn Quang (ngụ ấp 19, xã Khánh Thuận, huyện U Minh) cho biết vẫn còn bàng hoàng khi ông và một số người dân tại địa phương bị các đối tượng tranh chấp đất rừng đánh “bầm dập”.
Theo ông Quang, sự việc xảy ra cách đây gần một tháng, khi ông và 13 người dân địa phương đi trên 3 vỏ lãi đến khu đất đang tranh chấp, xem Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh có yêu cầu bà Lý Thị Bích dừng khai thác rừng chưa (bà Bích không phải là hộ gốc được cấp đất mà sang nhượng lại đất rừng của người khác). Tuy nhiên, khi chưa vào đến nơi thì nhóm người của ông Quang bị nhóm người của bà Bích (khoảng 10 người) cầm cây và dao đuổi đánh.
Hậu quả làm 5 người bị thương, trong đó có hai người bị nặng là ông Quang (bị gãy tay, phải đi bệnh viện bó bột) và ông Nguyễn Hoàng Hưởng (bị chém đứt gót chân).
Sau khi vụ việc xảy ra, UBND tỉnh Cà Mau đã có văn bản giao UBND huyện U Minh chỉ đạo các cơ quan liên quan nắm chắc tình hình, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn; xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu vực xảy ra cảnh đánh nhau là phần 500m hậu đất rừng mà người dân ấp 19, 20 và 21 xã Khánh Thuận khiếu nại, tố cáo nhiều năm qua.
Theo hồ sơ, năm 1993, Lâm ngư trường (LNT) Sông Trẹm (nay là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ) lập hợp đồng giao khoán đất lâm nghiệp cho 130 hộ dân ấp 19, 20 và 21 xã Khánh Thuận với diện tích giao khoán bình quân khoảng 10ha/hộ (ngang 100 m, dài 1.000 m), thời hạn hợp đồng là 20 năm.
Tuy nhiên, đến năm 1996, LNT Sông Trẹm thu hồi lại 500m chiều dài (tương đương 50% diện tích) hậu đất của 130 hộ dân. Khi thu hồi, LNT Sông Trẹm không có phương án được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, không bồi hoàn cho dân. Chính vì vậy, người dân khiếu nại và khu vực này trở thành “điểm nóng”.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, dù LNT Sông Trẹm thu hồi lại phần hậu đất 500 m của 130 hộ dân có sai sót về mặt trình tự, thủ tục. Tuy nhiên, đất này là của LNT Sông Trẹm được Nhà nước giao quản lý, vì vậy đơn vị này có thẩm quyền giao khoán và thu hồi đất.
Tuy nhiên, để giải quyết quyền lợi của dân, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành bồi thường thành quả lao động, hỗ trợ hoa lợi dưới tán rừng cho hộ dân.
Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ kết hợp với chính quyền địa phương xem xét lại từng trường hợp cụ thể, tiếp tục giao khoán cho các hộ thật sự có nhu cầu và thực hiện việc trồng rừng. Không xem xét lại những trường hợp chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng… Hiện phần lớn các hộ dân trong tổng số 130 hộ đồng ý với cách giải quyết của UBND tỉnh đưa ra. Tuy nhiên, vẫn còn một số chưa đồng ý.
Theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, việc giải quyết những vấn đề liên quan đến các hộ dân tại ấp 19, 20 và 21 xã Khánh Thuận được Trung ương và địa phương đặc biệt quan tâm, thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo giải quyết các yêu cầu chính đáng của các hộ dân.
Ông Sử cũng nhìn nhận việc phối hợp của các cơ quan chuyên môn còn chậm, chưa kịp thời.