Đề cao tính nghiêm túc, phân hóa
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, với mục tiêu xét tốt nghiệp là chính, đề thi năm 2019 sẽ có kiến thức chủ yếu ở lớp 12. Hiện Bộ GD-ĐT đang chuẩn bị các khâu để xây dựng ngân hàng câu hỏi đạt chuẩn phục vụ kỳ thi này. Bộ đang thay đổi từng bước, tiến tới chỉ đánh giá quá trình thông qua điểm học bạ ở một mức độ nhất định, đưa ý nghĩa kỳ thi THPT quốc gia về thực chất hơn.
Dù vậy, sau khi có quan điểm của Bộ GD-ĐT về sự thay đổi của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, dư luận đã có nhiều ý kiến hoài nghi. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu kỳ thi nhằm “2 trong 1” mà chỉ phục vụ mục đích tốt nghiệp phổ thông thì sẽ là một thay đổi lớn. Hơn nữa, đề thi được thiết kế để đáp ứng 2 mục đích nên có độ phân hóa cao, nay nếu chỉ chủ yếu là mục tiêu xét tốt nghiệp thì đề thi sẽ không còn sự phân hóa tốt, tức là cơ sở để các trường ĐH, cao đẳng (CĐ) xét tuyển sẽ không còn đáng tin cậy.
Từ phía các chuyên gia, TS Vũ Văn Dụ, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo viên (Bộ GD-ĐT), cho biết trước mắt vẫn phải duy trì kỳ thi THPT quốc gia nhưng điều chỉnh thế nào thì Bộ GD-ĐT cần tính toán, mục tiêu là bảo đảm kỳ thi nghiêm túc, khách quan, đánh giá đúng năng lực của học sinh. Kể cả đề thi có điều chỉnh để bám sát mục tiêu tốt nghiệp thì nếu đạt yêu cầu nghiêm túc, khách quan, các trường ĐH vẫn sẽ lấy đó làm căn cứ để xét tuyển.
GS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cũng cho rằng nên giữ kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay, thi tại địa phương và có sự tham gia của các trường ĐH; đề thi trong chương trình lớp 12, bảo đảm yêu cầu tốt nghiệp THPT nhưng cũng phải có sự phân hóa để tạo điều kiện cho việc tuyển sinh của các trường ĐH.
“Việc chấm thi nên có sự quản lý của Bộ GD-ĐT, tổ chức các cụm chấm thi cho một số tỉnh, huy động giáo viên chấm thi ở các trường ĐH và ở các địa phương”, bà Tâm Đan nêu ý kiến.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho rằng cần phân tích kỹ lưỡng để hiểu rõ bản chất, sứ mệnh của kỳ thi THPT quốc gia. Theo đó, Luật Giáo dục quy định kết thúc 12 năm học tập, nếu học sinh đủ điều kiện thì phải dự một kỳ thi để lấy kết quả xét, công nhận tốt nghiệp THPT. Còn Điều 34 Luật Giáo dục ĐH quy định các trường ĐH được tự chủ trong tuyển sinh với các hình thức thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa các hình thức này.
Mặt khác, với yêu cầu của Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, Chính phủ đã có Nghị quyết 44 định hướng đổi mới việc tổ chức thi, công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ “tiến tới tổ chức một kỳ thi chung, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp và làm căn cứ tuyển sinh đào tạo nghề và ĐH-CĐ”. Do đó, việc tổ chức kỳ thi lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT là cần thiết, đúng luật. Với bản chất đó của kỳ thi THPT quốc gia, năm 2019 và những năm tới, kỳ thi THPT quốc gia được tiếp tục duy trì với phương thức như hiện nay nhưng với những điều chỉnh để tốt hơn, trung thực, tin cậy hơn và phân hóa tốt hơn ở mức độ học vấn phổ thông, đúng với sứ mệnh của kỳ thi này.
Từ đây, một vấn đề khác đặt ra: Nếu các trường không sử dụng kết quả thi THPT để tuyển sinh, mà từng trường tự tổ chức thi riêng thì có quay về thời kỳ trước “3 chung”? Ông Mai Văn Trinh đề nghị các trường không băn khoăn nhiều.
“Đề thi THPT quốc gia thiết kế để đánh giá mức độ học vấn phổ thông sau 12 năm học tập và tất nhiên có độ phân hóa. Do đó, phần lớn là các câu hỏi ở mức độ cơ bản, có một số câu hỏi mức độ khó dần lên để phân hóa, nhưng nằm trong mức độ học vấn phổ thông. Đây không phải là kỳ thi chọn học sinh giỏi, không phải kỳ thi ĐH-CĐ để ra đề thi đánh đố học sinh, nhưng kỳ thi vẫn bảo đảm độ tin cậy, các trường ĐH-CĐ yên tâm sử dụng để tuyển sinh”, ông Mai Văn Trinh khẳng định.
Bên cạnh đó, theo Luật Giáo dục ĐH, các trường ĐH được tự chủ tuyển sinh. Tùy thuộc vào mục tiêu đào tạo của nhà trường, với uy tín, đẳng cấp của mình, trường có thể sử dụng các phương thức tuyển sinh khác, như kiểm tra năng lực, sơ tuyển…