Sau 10 năm vắng bóng, lũ lớn đã quay lại ĐBSCL và diễn biến khá phức tạp. Dưới áp lực dòng nước cuồn cuộn từ phía Campuchia đổ về, ngày 31-8, tỉnh An Giang đã buộc phải xả đập Tha La và Trà Sư để giảm tải cho phía đầu nguồn, sớm hơn dự kiến 3 ngày. Chắc chắn việc xả lũ sớm này sẽ gây thiệt hại cho phía hạ nguồn Kiên Giang và Cần Thơ. Đây là chuyện chẳng đặng đừng buộc phía An Giang phải thực hiện.
Dự báo ngày 5-9, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 4,15m, tại Châu Đốc ở mức 3,65m (trên báo động 2 là 0,15m), giữa tháng 9 - 2018, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng lên mức báo động 3, hạ lưu sông Cửu Long lên mức báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở vùng trũng thấp, tràn, vỡ đê bao, đặc biệt là tại các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An.
Tình hình chống lũ hiện nay là cấp bách. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký công điện 1127/CĐ-TTg chỉ đạo ứng phó lũ lớn ở ĐĐBSCL và mưa lũ tại Bắc bộ. Để hạn chế thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, nhất là tại vùng ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó
Có thể nói công điện của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh đến việc khẩn trương gia cố đê bao bảo vệ diện tích lúa, tài sản và tính mạng của nhân dân nhất là trẻ em. Sẽ còn nhiều điều để nói về mùa lũ năm 2018 khi mới bắt đầu vào cao điểm. Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, Việt Nam cần theo dõi sát sao và phân tích rõ nguyên nhân lũ: Tác động từ sự cố vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoi ở Lào gia tăng nguồn nước là bao nhiêu, lượng mưa… Cũng có ý kiến cho rằng: Cần cảnh giác cao độ với trận lũ năm nay vì khó lường. Còn nhớ trận lũ lịch sử năm 2000 có dạng 2 đỉnh lớn, là dạng lũ ít gặp ở ĐBSCL. Trong đó đỉnh thứ nhất trên dòng chính tại các trạm đầu nguồn đạt mức cao và sớm lịch sử, đỉnh thứ 2 đạt mức cao nhất (tại Châu Đốc) hoặc đặc biệt cao (tại Tân Châu) với 2 đỉnh xuất hiện cách nhau 51 ngày, gây ngập lụt lâu nhất và sâu nhất trong khoảng 100 năm gần đây tại ĐBSCL.
Việc phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam và các cơ quan liên quan chia sẻ thông tin (nhất là thông tin về mưa lũ, vận hành hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn) để dự báo sát diễn biến lũ ở ĐBSCL như chỉ đạo của công điện 1127/CĐ-TTg chỉ đạo ứng phó lũ lớn ở ĐĐBSCL và mưa lũ tại Bắc bộ của Thủ tướng là rất quan trọng. Đồng thời, ĐBSCL cần sẵn sàng cho nhiều “kịch bản” của lũ có thể xảy ra để giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người dân.