Gửi ý kiến đến PV Báo SGGP, anh Cao Văn Bảo, người dân TP Quy Nhơn, chuyên đưa du khách tham quan các tuyến du lịch dọc bán đảo Phương Mai, cho rằng: “Là người dân, chúng tôi ủng hộ dự án điện gió, nhưng việc mở đường đào phá, cắt xẻ, nổ mìn ở đỉnh núi Phương Mai quá mức như thế thì rất phản cảm, đáng lo ngại. Nhiều du khách khi nhìn thấy đồi núi bị tàn phá rất lo lắng. Nếu ngay từ đầu, khi mở đường có tham vấn ý kiến cộng đồng, nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tác động môi trường của ngành chức năng thì tôi nghĩ sẽ có nhiều cách làm thân thiện, hài hòa hơn”.
Ông Phạm Quang Anh, chuyên gia cảnh quan và quy hoạch lãnh thổ, người từng có nhiều đợt khảo sát, nghiên cứu tại đảo Hòn Khô (nằm trong quần thể bán đảo Phương Mai), nhận thấy do sự xâm hại, tác động của con người kèm theo biến đổi khí hậu đã dần biến nơi này trở thành “đảo chết”. Ông Anh rất lo ngại kịch bản này sẽ tái hiện ở những Hòn Khô khác. Bởi, đa số các dãy núi, hòn đảo ở Phương Mai đều là vùng đá granite với lớp vỏ phong hóa rất mỏng, dễ bị tổn thương. Nếu dự án chặt phá rừng tự nhiên, đào cắt, nổ mìn san gạt trên đầu đỉnh núi quá mức thì mỗi năm đồi núi sẽ sạt trượt, dần bị cuốn trôi bạc màu, vắt kiệt sức sống hệ sinh thái trước biển. “Chúng ta phá rừng để làm điện gió, rồi nhiều hệ lụy khác sẽ nảy sinh khó giải quyết. Trong khi đó việc phục hồi tự nhiên, nói rất dễ nhưng làm thì khó lắm, vì tự nhiên thì chỉ có thể tự nó phục hồi thôi”, ông Anh nêu.
Vụ việc Báo SGGP phản ánh ở bán đảo Phương Mai đang được UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các đơn vị tham mưu, đề ra giải pháp khắc phục. Ngày 7-6, trong thông báo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Định có đề cập thông tin mà Báo SGGP phản ánh. Dự án Nhà máy điện gió Nhơn Hội (2 giai đoạn) do Công ty CP Năng lượng Fico Bình Định làm chủ đầu tư. Ban đầu, chủ đầu tư xin diện tích 376ha ở bán đảo Phương Mai để khảo sát lập dự án. Trên thực tế, 2 giai đoạn dự án chỉ triển khai trên diện tích gần 40ha, chạy dọc giữa dãy núi cao nhất bán đảo Phương Mai. Đối với tuyến đường xẻ núi mà Báo SGGP đã phản ánh, là phát sinh sau này, nằm ngoài quy hoạch dự án. Toàn bộ dự án và tuyến đường trên không nằm trong danh mục đánh giá tác động môi trường…
Một đại diện Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định cho biết, dự án điện gió Nhơn Hội và việc mở đường trên đỉnh núi Phương Mai đã được Quân khu 5, Bộ Quốc phòng thẩm định, đồng ý cho phép. Qua kiểm tra hiện trường, tính toán đến các yếu tố liên quan, đơn vị khẳng định không có vấn đề gì ảnh hưởng đến yếu tố quốc phòng… Còn ông Huỳnh Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TNMT Bình Định cho rằng, sau khi Báo SGGP phản ánh, đơn vị đã chỉ đạo Chi cục Bảo vệ Môi trường của sở khẩn trương phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh tham mưu, hạn chế bớt các tác động cảnh quan môi trường.
Qua kiểm tra hiện trường, đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Bình Định đề nghị chủ đầu tư phải khắc phục nguyên trạng rừng đã bị đào phá, xâm hại và có giải pháp để phục hồi cảnh quan ở bán đảo Phương Mai. Quá trình phục hồi, trồng lại rừng cần chọn loại cây bản địa tương thích với đồi núi bán đảo Phương Mai nhằm tạo sự sinh trưởng hài hòa, cân đối. Việc phục hồi rừng cần phải có sự tham gia của các đơn vị trồng rừng chuyên nghiệp, có kinh nghiệm và cần có sự giám sát, thẩm định, nghiệm thu của đơn vị chức năng có chuyên môn. Ngoài ra, doanh nghiệp cần thu gom đất đá nổ mìn, đào phá sạt lở ở sườn núi, đưa đến bãi thải trước khi trồng lại cây rừng.
Để tiếp tục thông tin đến bạn đọc, PV Báo SGGP đã liên hệ phỏng vấn lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định về sự việc ở bán đảo Phương Mai. Theo hướng dẫn của UBND tỉnh, PV đã liên hệ ông Phan Viết Hùng, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Bình Định, đơn vị quản lý độc lập tại Khu kinh tế Nhơn Hội, bao trọn cả bán đảo Phương Mai, nhưng ông Hùng tỏ thái độ không hài lòng, dùng những lời lẽ thiếu chuẩn mực, lớn tiếng cho rằng báo chí chỉ muốn gây rắc rối, phiền hà khi đẩy vụ việc lên. |